LONGFORMChuyện hai người phụ nữ “thép”

Chuyện hai người phụ nữ “thép”

Chuyện hai người phụ nữ thép

Về Thái Nguyên xứ thép, nếu hỏi thì hầu như ai cũng biết về bà Nguyễn Thị Cải và người con gái Nguyễn Thị Vinh cùng “đế chế thép” và mô hình doanh nghiệp tư nhân hoạt động rất hiệu quả, đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD đầu tiên ở Thái Nguyên mà họ đã tạo dựng lên. Họ thực sự là hai người “phụ nữ thép” rất đáng ngưỡng mộ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Chuyện hai người phụ nữ thép
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Cải

Nếu ai đó nói khởi nghiệp ở tuổi 47 là muộn và rất khó thành công thì với bà Nguyễn Thị Cải, người phụ nữ quê Chí Linh, Hải Dương nhưng đã dành phần lớn cuộc đời mình gắn bó với xứ thép Thái Nguyên thì điều đó hoàn toàn sai. Bà khởi nghiệp muộn, lại trong bối cảnh đất nước những năm đầu đổi mới bộn bề khó khăn, thách thức. Kiến thức, kinh nghiệm hầu như chưa có. Môi trường, thể chế kinh doanh còn rất sơ khai.

Khi ấy là năm 1993. Bà Cải nghỉ hưu sau 25 năm công tác tại Công ty Kim khí Bắc Thái, nơi bà đã gắn bó từ năm 1965 sau khi đi thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ làm tuyến đường 1A (Hà Nội - Lạng Sơn) phục vụ vận chuyển lương thực, vũ khí cho tiền tuyến trở về. Với mức lương của thợ bậc 6/7, cô gái mở đường Nguyễn Thị Cải quyết tâm mở một con đường mới.

Mùa hè năm ấy, một cửa hàng kinh doanh dịch vụ kim khí được khai trương ở Thái Nguyên với thủ lĩnh là bà Cải và chồng, ông Nguyễn Quốc Thái điều hành. Nhân lực chủ yếu gồm 9 con người, ngoài hai vợ chồng bà có con gái, con rể; vật lực vỏn vẹn 82 triệu đồng và một gian nhà 32m2.

Khởi nghiệp muộn, vốn liếng ít đã khó nhưng cái khó lớn hơn còn ở nhiều cái khác. Khi cửa hàng mở ra thì ở Thái Nguyên đã có đại gia thép - ông cai Hoa danh nổi như cồn, làm chủ nhiều thị trường. Từ những năm 1980, ông Hoa đã có tàu thủy trọng tải lớn buôn bán gạo, phân bón, sau đó buôn đất, làm xây dựng... Đến đầu những năm 1990, thị trường thép Thái Nguyên phụ thuộc rất lớn vào ông Hoa. Ông làm đại lý độc quyền cho Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng và cửa hàng của bà Cải so với ông quá ư nhỏ bé.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Cải và công ty giai đoạn đầu.

Thêm vào đó, cơ chế quản lý bao cấp và sự non yếu của thị trường đã tạo ra các “đầu nậu” tranh giành thị phần, gây sức ép cho các nhà sản xuất. Nhiều nhà máy phải đổi thép lấy vật tư, thiết bị sản xuất, vay tiền các đầu nậu, để đầu nậu nhận thép về bán. Nhiều nhà máy bị thua lỗ, phụ thuộc đầu nậu. Làm ăn diễn ra trong một cơ chế ngầm rất phức tạp.

Bà Cải và chồng là ông Nguyễn Quốc Thái cùng con gái, con rể đã phải đi lên từ những khe cửa hẹp, buôn bán nhỏ lẻ, học mọi việc từ mời khách, tiếp thị, đưa cơ chế thoáng, bán rẻ chịu ít lãi trong thời gian đầu. Thời buổi người khôn của khó, đất thép lúc đó “lành ít dữ nhiều” nên bà phải vươn đi làm ăn xa. Bà tìm đến một thị trường rất mới ở tận TP Vinh (Nghệ An), địa danh mang tên ái nữ của bà. Người cựu nữ thanh niên xung phong năm xưa chẳng nề hà nằm trên xe tải, trực tiếp đưa hàng vào tận Vinh bán. Bà tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn khi chọn hàng tốt nhất, chuyển vào tận nơi mà giá rẻ hơn cả khách hàng ra Thái Nguyên mua. Nhờ chuyến đi mở đường ấy, Vinh - Nghệ An trở thành khách hàng ruột của bà Cải suốt hàng chục năm. Đó cũng là thị phần duy nhất bà không “đụng hàng” với ông cai Hoa.

Sau này, vợ chồng bà Cải với sự nhạy bén đã nắm bắt được những cơ hội đột phá trên thị trường, hạ giá đồng loạt các mặt hàng thép thành phẩm, nhập phôi nước ngoài về bán giá thấp cho các nhà máy sản xuất, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để “đua” dài hơi với các nhà buôn khác bằng vốn. Bà dần dần giành lại được hơn 50% thị phần và tiếp tục mở rộng.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Ngày đó, ít ai dám mạnh dạn như bà Cải. Có lần, bà đã kể lại với báo chí: “Tôi luôn là con nợ, luôn nợ 95 tỷ đồng!”. Bà tính: “Tôi cầm giấy tờ năm ô tô con, 50 xe tải hạng nặng được 15 tỷ. Nhà cửa đất cát cầm được 35 tỷ Gửi tiết kiệm được 40 tỷ, lại lấy sổ “cầm” ngân hàng, vay thêm bạn bè mới đủ 100 tỷ để “ra quân”! Lúc nào tôi cũng trong tâm trạng bị thế chấp!”.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Đó là câu chuyện về một cái Tết đặc biệt, cái Tết đã làm nên sức mạnh và bước ngoặt phát triển của doanh nghiệp mà đến nay nhiều người vẫn không thể nào quên.

Cuối năm 2002, kinh doanh phôi, thép phập phù. Giá phôi nước ngoài đã nhích lên dần do các nhà sản xuất nội địa nhập về, sản xuất nhiều khiến cung vượt quá cầu tạo ra nghịch lý: Thép thành phẩm bán rẻ 5.000 đồng/kg trong khi phôi nước ngoài lên đến... 5.200 đồng/kg. Dù sau Tết nhu cầu xây dựng tăng cao nhưng nhiều nhà sản xuất không dám làm thêm, nghe ngóng chờ ăn Tết xong giá phôi thép giảm và phập phồng lo không bán được thép thành phẩm.

Dù đã tính toán đầu tư mua phôi phục vụ mùa xây dựng năm mới 2003, bà Cải ngồi tính toán và đi tới một quyết định táo bạo ngay trong Tết. Bà không ăn Tết, cập nhật thông tin từng giờ, phân tích thị trường phôi, thép quốc tế và nội địa và ra quyết định không buôn phôi thép mà chuyển hết sang buôn thép với hơn 100 tỷ đồng vốn huy động. Bà và hàng trăm cán bộ, công nhân viên không ăn Tết, tất cả ra ngoài công trường để nhận hàng. Sau thương vụ ấy, lợi nhuận thu về lên tới cả chục tỷ đồng bà mới tổ chức “khao quân”, ăn Tết muộn.

Năm 2003, nắm bắt xu thế phát triển, bà Cải quyết định mở doanh nghiệp, cửa hàng dịch vụ kim khí đổi tên mới: Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Thái Hưng sau khi doanh thu không ngừng phi mã: Năm 2001 là 440 tỷ đồng, doanh thu năm 2002 tăng gấp đôi lên 880 tỷ. Chỉ riêng năm 2003, doanh thu một ngày của công ty lên tới 4 tỷ đồng, lọt tốp doanh nghiệp nghìn tỷ doanh thu chỉ sau 10 năm khởi nghiệp. Mô hình doanh nghiệp của gia đình bà đã trở thành một điểm sáng tiêu biểu của sự phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Càng đáng ghi nhận hơn khi bà đã khởi nghiệp và xây đắp lên thành công của doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nơi mà chưa nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Dưới sự lãnh đạo của vợ chồng bà, Công ty có thời điểm đã phát triển gồm các Xí nghiệp xây dựng, Công ty TNHH thương mại Thái Hưng, Công ty TNHH xếp dỡ vận chuyển (70 đầu xe tải chuyên dụng, cẩu Kato có sức nâng 50 tấn), Công ty TNHH vật tư và thiết bị Thái Hưng, Nhà máy sản xuất thép Thái Hưng (vốn đầu tư 30 triệu USD với công suất luyện cán thép hàng trăm nghìn tấn/năm), Công ty TNHH khoáng sản Thái Hưng và các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Sản phẩm thép do Công ty cung cấp đã có mặt ở một số công trình lớn của đất nước, như: Nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cầu Bãi Cháy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,…

Năm 2000, bà Cải vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và năm 2007, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng Nguyễn Thị Cải vinh dự là một trong 7 cá nhân được Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Cải và chồng quyết định “rửa tay gác kiếm”, bàn giao hầu hết các vị trí lãnh đạo Công ty Thái Hưng cho thế hệ sau. Người con gái lớn của bà Cải, bà Nguyễn Thị Vinh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành từ một công nhân, rồi nhân viên tiếp thị, thủ kho, rồi phát triển lên làm Trưởng phòng kinh doanh, Phó tổng giám đốc.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Vinh, người con gái lớn của bà Cải.

7 năm trên cương vị thuyền trưởng con tàu Thái Hưng, bà Vinh đã phát huy được những giá trị nền tảng của thế hệ đi trước vun đắp, tiếp tục mở mang, phát triển doanh nghiệp vươn tới những tầm cao mới. Bà cùng các cộng sự đã nhạy bén nắm bắt các cơ hội, chuyển hướng chiến lược kinh doanh sang đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn lấy ngành thép làm trọng tâm, làm trục chính để phát triển, tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc.

Nếu như ngay sau 2003, Thái Hưng cán mốc doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ đồng thì đến giai đoạn 2015-2020, doanh nghiệp đã đạt mức doanh thu trên 16.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước trên 300 tỷ đồng/năm, không nợ đọng thuế, thu hút hơn 500 lao động, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm liền, Báo Điện tử Vietnamnet liên tục bình chọn cho Thái Hưng là 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Bà Nguyễn Thị Vinh tâm sự: “Tôi được thừa hưởng nền tảng giáo dục từ người mẹ - Bà Nguyễn Thị Cải - Người đã cùng bố tôi sáng lập ra Thái Hưng. Bà vừa là người mẹ, vừa là người thầy dìu dắt tôi trong việc điều hành doanh nghiệp cũng như trong cuộc sống. Mặc dù trên nền tảng đã được gây dựng, thừa hưởng truyền thống gia đình trong làm kinh doanh, nhưng khát vọng của thế hệ tôi cũng khác với thế hệ trước. Tôi mong muốn sẽ có sự bứt phá và luôn khát khao làm những điều mà thế hệ trước chưa làm được. Với mục tiêu chung vì sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và của đất nước, chúng tôi luôn cố gắng định hướng những chiến lược phát triển đúng và trúng mục tiêu, xây dựng Thái Hưng trở thành một thương hiệu lớn mạnh hơn nữa, phát triển bền vững trong tương lai”.

Một trong những chuyển hướng chiến lược hiệu quả từ rất sớm của Công ty Thái Hưng gần đây là việc mở thêm hướng kinh doanh đầu tư bất động sản, xây dựng và vận hành các khu đô thị, khu công nghiệp ở Thái Nguyên rất thành công và hiệu quả, tạo nên điểm nhấn, diện mạo mới của thành phố Thép. Đặc biệt, với dự án khu đô thị Thái Hưng Crown Villas triển khai rất nhanh chóng cùng nền tảng pháp lý vững vàng, nguồn lực tài chính mạnh mẽ, tiến độ nhanh, Thái Hưng Crown Villas đã trở thành khu đô thị đẳng cấp hiện hữu đầu tiên tại Thái Nguyên, liên tục nằm trong top những dự án hot nhất tại Thái Nguyên thời gian qua, hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và chuyển sang xây dựng giai đoạn 2.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Khu đô thị Thái Hưng Crown Villas.

Với vai trò là Tổng giám đốc, “tổng công trình sư” của kiến tạo phát triển, bà Nguyễn Thị Vinh đã điều hành doanh nghiệp vượt qua “bão Covid-19” một cách ngoạn mục khi năm 2021 đạt doanh thu hơn 17.500 tỷ đồng; hai năm qua đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch ở Thái Nguyên. Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2023, Thái Hưng đặt mục tiêu: Giữ vững top 5 doanh nghiệp thương mại thép lớn nhất Việt Nam và trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành nghề, cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập công ty.

Doanh nghiệp Thái Hưng hôm nay không chỉ nằm trong top những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam mà còn là mô hình doanh nghiệp tiêu biểu về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân với Đảng bộ công ty có hàng trăm đảng viên, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, góp phần đưa những chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Một số hình ảnh hoạt động của bà Nguyễn Thị Vinh điều hành, lãnh đạo Công ty.

Năm 2021, nối tiếp truyền thống của mẹ mình, bà Nguyễn Thị Vinh được Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Trước đó, năm 2005 được bình chọn là nhà doanh nghiệp trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2005 và được trao tặng giải thưởng Sao Đỏ và năm 2011 bà được bình chọn là một trong 15 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam. Năm 2019, bà liên tục nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Huân chương lao động hạng 3, Top 10 Doanh nhân Asean tiêu biểu, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và Cúp Thánh Gióng…

Chuyện hai người phụ nữ thép
Tổng giám đốc công ty CPTM Thái Hưng - Nguyễn Thị Vinh nhận giải thưởng phụ nữ việt nam 2021.

Là người phụ nữ thành đạt và không kém phần nổi tiếng nhưng nói về mình khi trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Vinh rất khiêm tốn: “Tôi không bao giờ nghĩ mình là nhân vật có tiếng tăm. Mỗi khi nhận được sự tôn vinh từ những giải thưởng, bình chọn, với tôi đó là vinh dự nhưng đó cũng là một áp lực rất lớn. Áp lực từ việc giữ được nó và phát huy nó để xứng đáng với cái mình đã nhận được mới là quan trọng. Tôi không bao giờ đặt mình ở vị trí quá cao. Tôi luôn cân bằng mình ở vị trí hài hoà nhất. Tình yêu đất Thép trong tôi sẽ giúp tôi hoàn thành tốt trách nhiệm hiện tại của mình”.

Chuyện hai người phụ nữ thép

Có lẽ đúng như vậy, tình yêu đất Thép và chất Thép trong tư duy, bản lĩnh chính là những điều giúp hai người phụ nữ “thép” viết nên câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm về khởi nghiệp, đổi mới và thành công; cũng là câu chuyện của những thế hệ người Việt Nam luôn nối tiếp khát vọng đi tới, vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ, khẳng định mình và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuyện hai người phụ nữ thép
Ảnh trên bên trái: Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Trần Quốc Tỏ-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Thái Nguyên trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho bà Nguyễn Thị Vinh-TGĐ Công ty CPTM Thái Hưng. Ảnh trên bên phải: Ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019 cho bà Nguyễn Thị Vinh-TGĐ Công ty TPTM Thái Hưng. Hai ảnh dưới: Top 10 Doanh nhân tiêu biểu Asean 2019.

  • Chuyện hai người phụ nữ thép
  • Nội dung: BÌNH NGUYÊN
  • Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top