LONGFORMCác hệ giá trị Việt Nam- “ngọc” càng mài càng sáng

Các hệ giá trị Việt Nam- “ngọc” càng mài càng sáng

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng

Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam.

Mạch nguồn hệ giá trị văn hóa từ quá khứ tới hiện tại

Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề cập, hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Có thể nói, đây chính là những giá trị cơ bản để tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nền văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, kết tinh những giá trị của khoa học.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Ảnh: Phạm Cao Quý
Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Các hệ giá trị văn hóa có vai trò định hướng các mục tiêu, phương thức và hành động của con người. Ảnh: Phạm Cao Quý

Theo GS, TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, từ các giá trị xã hội làm cốt lõi cho các giá trị văn hóa (cultural value) do con người ở mỗi xã hội sáng tạo ra trong lịch sử đã dần liên kết để hình thành nên các hệ giá trị văn hóa, rồi từ đó, các hệ giá trị văn hóa lại có vai trò định hướng các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong từng cộng đồng xã hội nhất định, giúp từng cá nhân có được nhận thức đúng đắn, có những hành vi và lời nói phù hợp với các giá trị tích cực đã được thừa nhận trong cộng đồng, dưới sự phán xét, đánh giá của cộng đồng xã hội ở các cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau, hoặc nhờ đó mà điều chỉnh các hành vi của cá nhân hay xã hội thông qua các thể chế, thiết chế xã hội nhất định.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Nét đẹp lao động. Ảnh: Phạm Cao Quý

Giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam mang bản sắc dân tộc, tộc người, vừa giữ nét riêng vừa mang đặc trưng văn hóa chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Một mặt, giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam trải qua hàng nghìn năm được các thế hệ sáng tạo, bồi đắp, lưu truyền và bảo vệ đã luôn tàng ẩn trong hệ thống di sản văn hóa dân gian, thông qua hàng loạt các hệ thống truyện kể, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, lễ hội, các di tích lịch sử-văn hóa và được tổng kết, trao truyền qua kho tàng tri thức địa phương.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam mang bản sắc dân tộc, tộc người. Ảnh: Phạm Cao Quý
Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm. Ảnh: Phạm Cao Quý

Từ đó, các giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa được kết tinh, đọng lại trong các biểu tượng văn hóa vốn được nhận diện từ các kho tàng truyền thuyết, từ thực hành tín ngưỡng, lễ hội, mỹ thuật, điêu khắc dân gian… Mặt khác, hệ thống các giá trị văn hóa được sinh thành, tôn tạo, bồi đắp và lưu truyền qua các thế hệ chính là bệ đỡ cho các giá trị truyền thống được lan tỏa, nhân rộng tới các thời đại của các thế hệ hậu sinh.

Cùng quan điểm này, theo PGS, TS Nguyễn Văn Dân, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, với tư cách là sản phẩm sáng tạo văn hóa mang tính dân tộc, hệ giá trị của văn hóa Việt Nam vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc. Vì thế, trên cơ sở những tiêu chuẩn chung như chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, ý thức dân chủ, tính thế giới, hệ tiêu chuẩn giá trị văn hóa Việt Nam đã cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn phán định giá trị đặc thù như tình yêu thương đồng bào, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống cái ác, cái xấu; hình tượng con người xây dựng đất nước, hình tượng anh hùng trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, hình tượng cái đẹp nhân văn, hình tượng tâm hồn cao thượng, hình tượng bi tráng, hình tượng phê phán cái xấu, hình tượng tình yêu…

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Hệ giá trị của văn hóa Việt Nam vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc. Ảnh: Thái Hưng

PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản chỉ ra, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý đặc thù và lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, thể hiện sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chúng được xây dựng, củng cố qua hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện qua các di sản văn hóa, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phong cách tư duy và hoạt động của mỗi cá nhân, cộng đồng.

Theo các nhà khoa học, dân tộc Việt Nam có một hệ giá trị văn hóa đa dạng và phong phú như: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, cần cù, tiết kiệm,… Các giá trị văn hóa này đã trở thành động lực, cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách… Điển hình mới đây, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, cũng là lúc các giá trị văn hóa Việt Nam thể hiện được vai trò kết nối, điều chỉnh, định hướng hành vi của toàn xã hội. Mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, trợ giúp những người có hoàn cảnh, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong phòng, chống dịch, nhờ đó Việt Nam đã từng bước vượt qua đại dịch, ổn định đời sống.

Theo PGS, TS Nguyễn Thu Nghĩa, Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các giá trị trong đó hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã vận động theo những định hướng, gắn văn hóa với chính trị, kinh tế và văn hóa nằm trong chính trị và kinh tế, bảo vệ phẩm giá dân tộc, xây dựng một xã hội mới giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ giá trị văn hóa dưới sự định hướng của Đảng đã khẳng định những giá trị chân-thiện-mỹ, dân tộc-dân chủ-nhân văn-khoa học. Trong lĩnh vực văn hóa, đa số giá trị văn hóa cũng chuyển biến theo hướng tích cực. Nếu như trước kia, giá trị cộng đồng được đề cao, thì ngày nay giá trị cá nhân được chú ý.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Hà Nội đẹp rực rỡ trong mùa cúc họa mi. Ảnh: Tuấn Huy

Thực thi chiến lược bảo vệ, phát huy hệ giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay

Hiện nay hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có những biến chuyển phức tạp trước sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như những tác động khó lường của bối cảnh trong nước và quốc tế. Theo PGS, TS Phạm Văn Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước của Đảng. Vì vậy, vấn đề này luôn được quan tâm, thảo luận sôi nổi trong giới khoa học và cả xã hội.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng, tộc người, địa phương, để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của những nét riêng.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Sắc xuân. Ảnh: Tuấn Huy

Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng “đề kháng, miễn dịch” trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa.

Hệ giá trị văn hóa con người phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Kiến tạo con người Việt Nam với những phẩm chất, năng lực và bản lĩnh... có thể đối mặt, đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, GS, TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Thu Hà

Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy rằng, trong bối cảnh lịch sử phát triển xã hội đương đại và thực trạng vận động phát triển của xã hội trong điều kiện mới, các giá trị và hệ giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tộc người ở khắp mọi vùng, miền của đất nước đã và đang đứng trước những thời cơ, vận hội mang nhiều dự báo tích cực đối với sự phát triển toàn diện của đất nước, cũng như những thách thức, khó khăn, trở ngại vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan của thời cuộc của con người và nền văn hóa dân tộc nói chung.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đã ghi dấu mốc quan trọng khi đề cập giá trị văn hóa, khẳng định sự cần thiết phải “sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới”. Từ đây, vấn đề giá trị, hệ giá trị văn hóa luôn được đề cập trong các văn kiện của các kỳ Đại hội. Qua các văn kiện các kỳ Đại hội Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước qua các thời kỳ, Đảng ta đã từng bước định hình rõ nhiệm vụ sáng tạo, hoàn thiện, đúc kết, nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa.

Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
Các giá trị và hệ giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tộc người ở khắp mọi vùng, miền của đất nước đã và đang đứng trước những thời cơ, vận hội. Ảnh: Thu Hà

Theo PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học trong giai đoạn hiện nay cần phải thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay; đẩy mạnh công tác giáo dục các giá trị văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường các nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam; kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong khi đó, theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, giải pháp để giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trước tiên là phải xác định được nội hàm cụ thể của hệ giá trị. Tiếp đó cần hoàn thiện thể chế, chính sách, do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách là cách để chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, quản lý xã hội và văn nghệ sĩ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp.

Tựu chung lại, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội.

  • Các hệ giá trị Việt Nam- ngọc càng mài càng sáng
  • Nội dung: KHÁNH HUYỀN, THU THỦY, NGUYỄN THẢO, TRẦN YẾN
  • Ảnh: Báo QĐND, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top