
Hồi trống lệnh: Chống lãng phí Bài 3: Chống lãng phí thường xuyên, liên tục
Bài 3: Chống lãng phí THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC
Lãng phí đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người, gây ra những nguy cơ tác động nghiêm trọng tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, hiện nay đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về tình hình lãng phí đang diễn ra như thế nào?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là hoàn toàn chính xác và rất sát với thực tiễn. Hiện nay, tình trạng lãng phí vẫn đang diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực và ở các cấp độ khác nhau, từ quản lý tài nguyên thiên nhiên, sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, đến quản lý thời gian và lao động.
Trong lĩnh vực tài nguyên, lãng phí đất đai là một vấn đề đáng báo động. Bản thân mỗi người dân bình thường cũng nhìn thấy có những khu đất "vàng" ở các đô thị lớn bị bỏ hoang, không được khai thác hoặc sử dụng không hiệu quả, trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng, nhà ở và công trình công cộng ngày càng cấp thiết. Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, rừng, và nước ngầm không hợp lý đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tình trạng các dự án chậm tiến độ, đội vốn, hoặc không đạt hiệu quả mong muốn cũng rất phổ biến. Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn làm giảm hiệu quả phát triển kinh tế, khiến xã hội mất niềm tin vào hệ thống quản lý.
Trong hệ thống hành chính, lãng phí thời gian và nguồn nhân lực là một vấn đề lớn. Các thủ tục hành chính phức tạp, không cần thiết đang kéo dài thời gian xử lý công việc, gây cản trở cho doanh nghiệp và người dân.
Lãng phí đã và đang làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, dẫn đến tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi những cơ hội phát triển bền vững. Đồng thời, lãng phí cũng làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị và các cơ quan quản lý, gây ra sự thiếu đồng thuận trong xã hội.
Phóng viên: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí như vậy?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lãng phí hiện nay bắt nguồn từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là ý thức trách nhiệm trong quản lý và sử dụng nguồn lực chưa được đề cao ở một số cá nhân và tổ chức. Thói quen quản lý lỏng lẻo, thiếu tinh thần tiết kiệm hoặc tâm lý "dễ dãi" trong việc sử dụng tài sản công đã dẫn đến những hành vi lãng phí khó kiểm soát.
Thêm vào đó, tình trạng thực hành pháp luật chống lãng phí còn gặp phải nhiều vướng mắc. Một trong những điểm yếu lớn là công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả. Cơ chế xử lý vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe. Những trường hợp lãng phí lớn, dù được phát hiện, nhưng xử lý còn chậm, thiếu công khai minh bạch, khiến dư luận hoài nghi và làm giảm tính gương mẫu của các cơ quan công quyền.
Ngoài ra, năng lực thực thi pháp luật ở một số địa phương và cơ quan vẫn còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác chống lãng phí đôi khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoặc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Phóng viên: Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư Tô Lâm gióng chống lệnh, thu hút sự quan tâm và đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân cả nước. Vậy theo đồng chí, để công tác chống lãng phí đạt hiệu quả cao cần thực hiện những giải pháp gì?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Để công tác phòng, chống lãng phí đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên các phương diện, từ nâng cao nhận thức, hoàn thiện pháp luật, đến tăng cường cơ chế giám sát và sự tham gia của toàn xã hội.
Trước tiên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của việc tiết kiệm và chống lãng phí. Khi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn lực quốc gia và hậu quả nghiêm trọng của lãng phí, họ sẽ có ý thức cao hơn trong việc sử dụng tài sản công và nguồn lực cá nhân một cách hợp lý, hiệu quả. Công tác giáo dục này cần được lồng ghép vào mọi mặt của đời sống, từ trường học, cơ quan, tổ chức, đến các chương trình truyền thông đại chúng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống lãng phí là điều không thể thiếu. Các quy định pháp luật cần được xây dựng rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và khả thi hơn. Đặc biệt, phải có các cơ chế xử lý vi phạm đủ sức răn đe, tránh tình trạng “nể nang” hay “giơ cao đánh khẽ.” Đồng thời, việc rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội.
Nâng cao hiệu quả của các cơ chế giám sát. Vai trò của các cơ quan kiểm tra, thanh tra cần được tăng cường, đồng thời phải phát huy tối đa sự tham gia của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động sử dụng ngân sách và tài sản công. Các công cụ công nghệ như ứng dụng phản ánh lãng phí hay cổng thông tin minh bạch ngân sách cần được triển khai rộng rãi, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận và đóng góp ý kiến.
Xây dựng văn hóa chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ở khu vực công, là yếu tố then chốt. Khi các lãnh đạo và cán bộ công chức nêu gương trong việc thực hành tiết kiệm, quản lý tài sản công một cách minh bạch và hiệu quả, họ sẽ tạo ra sức lan tỏa tích cực, thúc đẩy toàn xã hội cùng tham gia vào công cuộc chống lãng phí.
Phóng viên: Theo đồng chí, chúng ta cần làm thế nào để hoàn thiện xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí lan tỏa toàn xã hội trở thành “tự giác”,“tự nguyện”, như “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ rằng để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, cần tập trung vào việc xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, và có tính khả thi cao. Đồng thời đẩy mạnh thực thi trên thực tế. Thể chế phòng, chống lãng phí phải không chỉ là khuôn khổ pháp lý mà còn là kim chỉ nam để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả.
Trước hết, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để đảm bảo không có “khoảng trống” hay “kẽ hở” cho các hành vi lãng phí. Các văn bản pháp luật phải quy định rõ ràng về trách nhiệm giải trình, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản công, cùng với những chế tài đủ mạnh để răn đe và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Khi luật pháp được xây dựng chặt chẽ và thực hiện một cách đồng bộ, các hành vi gây lãng phí sẽ giảm đáng kể.
Đồng thời, cần thể hiện thái độ kiên quyết và không khoan nhượng đối với các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Điều này không chỉ đòi hỏi xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm mà còn cần công khai thông tin để tạo hiệu ứng răn đe rộng rãi. Khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật và chính quyền sẽ được củng cố.
Để xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, nên bắt đầu từ nhận thức và giáo dục. Từ nhà trường, gia đình đến cộng đồng, chúng ta cần lồng ghép các giá trị về tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên vào các chương trình giảng dạy, sinh hoạt văn hóa. Một khi mọi người hiểu rõ rằng tiết kiệm không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước, họ sẽ dần hình thành thói quen tự giác và tự nguyện thực hiện.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các phong trào cộng đồng và chiến dịch truyền thông trong việc lan tỏa văn hóa chống lãng phí. Những chiến dịch như “Ngày không lãng phí,” “Tiết kiệm tài nguyên cho tương lai” cần được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Khi văn hóa chống lãng phí trở thành một phần trong nếp sống thường ngày, nó sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, bền vững trong xã hội. Chỉ khi văn hóa phòng, chống lãng phí được thực hiện tự giác, tự nguyện, giống như “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày,” thì đất nước mới có thể tiến xa trên con đường phát triển thịnh vượng và bền vững.
- Nội dung: Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (HẢI LÝ, VĂN TUẤN, NGUYỄN HỮU QUÝ, NGUYỄN THANH TÚ)
- Ảnh: TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: ĐẶNG CƯỜNG