LONGFORMHồi trống lệnh: Chống lãng phí - Bài 1: Như giặc nội xâm!

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí - Bài 1: Như giặc nội xâm!

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm

Bài 1: Như giặc nội xâm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ sự nguy hại của lãng phí đối với đất nước: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Trước những nguy hại do lãng phí gây ra cho đất nước, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ, lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, không còn con đường nào khác, Đảng ta, nhân dân ta phải “tuyên chiến” với “giặc nội xâm” mang tên lãng phí.

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm

Các con số "biết nói" của Quốc hội: Trong giai đoạn 2021-2026, có 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Tổng số tiền gây thất thoát, lãng phí là 31.800 tỷ đồng. Có 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang, vi phạm pháp luật. Hầu hết các dự án quan trọng, trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với 7/15 địa phương, đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015ha… Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 150.100 tỷ đồng, với 63.200 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ đồng, hơn 31.200 ha đất…

Thế mà, sinh sống và canh tác nông nghiệp lúa nước trên mảnh đất nhiều thiên tai địch họa, cha ông ta đã từng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm từng “hạt cơm”: “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Các cụ dạy con cháu phải biết “Làm khi lành để dành khi đau”; “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”... Sống trong sinh quyển văn hóa ấy, thấy sự lãng phí trên, bất cứ người dân nào cũng không khỏi xót xa!

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm
Hiện trạng bị bỏ hoang tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Nhà thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Hà Nam và tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Xin cụ thể hơn về lãng phí tài sản công: Nhà thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Hà Nam có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, tiêu chuẩn quốc tế, được đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Nhưng chỉ phục vụ thi đấu môn futsal tại SEA Games 31 (năm 2022) và đăng cai một số giải thể thao, sau đó thì “cửa đóng then cài”. Cung Thể thao Tiên Sơn (TP Đà Nẵng) xây dựng năm 2009 với vốn đầu tư 42 triệu USD (hơn 740 tỷ đồng), đưa vào sử dụng tháng 12-2010. Nhưng đến nay, rất ít các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức, hiện nguồn thu không đủ chi phí vận hành. Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km, tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng, khởi công năm 2005, nhưng đã qua gần 20 năm, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam) có vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2020. Đến nay, chưa thấy “mời” nhân dân đến khám chữa bệnh… Lãng phí trong đầu tư, tiêu biểu là các dự án sản xuất xăng sinh học E5, tại tỉnh Phú Thọ (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng); tại tỉnh Bình Phước (vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng); tại khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi (vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng). Nhưng đến nay, cả 3 nhà máy này đóng cửa. Lý do: Nhu cầu tiêu thụ xăng E5 thấp!

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm
Các dự án sản xuất xăng sinh học E5 tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước đến nay đều đóng cửa.

Trên đây là những lãng phí thấy được, nhưng đó chỉ là "phần nổi", "phần chìm" của tảng băng lãng phí còn lớn hơn rất nhiều, không nhìn thấy. Kinh tế học có khái niệm “chi phí cơ hội” (Opportunity Cost), tức là những lợi ích bị bỏ lỡ khi lựa chọn phương án. Nói khác đi là lợi ích không nhận được do không chọn được phương án tối ưu. Có nhiều nguyên nhân, do thiếu tri thức, tầm nhìn hẹp, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt, tư duy nhiệm kỳ. Không loại trừ việc nhận phương án xấu vì được “hoa hồng” cao, về bản chất là nhận hối lộ. Lãng phí cơ hội còn ở việc bỏ lỡ các cơ hội đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường... Ví như, có doanh nghiệp chưa biết FTA (hiệp định thương mại tự do), trong khi Việt Nam đã ký 16 FTA, thế là vuột mất cơ hội xuất khẩu hàng hóa…

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm

Lãng phí cơ hội còn xảy ra với doanh nghiệp có tỷ trọng vốn nhà nước cao, gây thua lỗ nặng nề. Do các quy định về quản lý vốn nhà nước rất chặt chẽ, nên gây ra sự thiếu chủ động, linh hoạt, sợ sai, sợ trách nhiệm khi ra quyết định sản xuất, kinh doanh. Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đầu tư hơn 9 tỷ USD, đưa vào khai thác cuối năm 2018, sau 3 năm đã lỗ 61.200 tỷ đồng… Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Xi măng Việt Nam báo lỗ 863 tỷ đồng... Theo Bộ Nội vụ, kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023, có 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 1,75%), với biểu hiện chính là thụ động chờ quyết định của cấp trên. Với người quản lý mà thế, thì không còn là mình, nguy hiểm hơn, đánh mất cơ hội làm ăn của cả một tập thể lớn!

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm

Lãng phí đầu tư công rất nguy hiểm, đất đai hoang hóa không tạo ra của cải vật chất, vốn ODA chậm giải ngân vẫn phải trả lãi, công trình chậm tiến độ dẫn đến đội vốn... Ngoài nguyên nhân đầu tư dàn trải trái với quy hoạch, còn do sử dụng công nghệ lạc hậu. Việc quản lý khai thác tài nguyên chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, làm ngân sách bị thất thoát, môi trường bị ô nhiễm (do khai thác lậu).

Nạn lãng phí vật chất có ở mọi nơi, mọi người trong xã hội, có nguyên nhân từ bệnh hình thức, phô trương. Có sinh viên được bố mẹ trợ cấp để học tập, thì sẵn sàng mua điện thoại di động, túi xách, đôi giày “hàng hiệu” giá hàng chục triệu đồng… Ở nhà quê, có người cố sắm ô tô giá hàng tỷ đồng chỉ để cho “oai”, cho “bằng chị, bằng em”; có người phá nhà cũ còn tốt, xây nhà mới đẹp hơn cho “hoành tráng”. Lại có những đám cưới xa hoa với dàn “siêu xe”, tràn ngập hoa đặt từ Đà Lạt, thậm chí tận Hà Lan… Ở cơ quan Nhà nước thì tậu xe “xịn”, thay đồ dùng mới, xây cổng mới… Dịp kỷ niệm thành lập thì tổ chức thật hoành tráng để “che” đi sự làm ăn đang bết bát… Như vậy, sự lãng phí thể hiện một văn hóa ứng xử “phông bạt”, hình thức, còn là sự thiếu nhân văn, vô cảm, trong khi đất nước còn nghèo, đồng bào còn lam lũ, có nơi gặp thiên tai mất người, mất nhà…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, nước ta lãng phí khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm, thiệt hại khoảng 1,3 triệu USD/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, nước ta lãng phí khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm, thiệt hại khoảng 1,3 triệu USD/năm. Trung bình mỗi người/năm lãng phí 79 kg thực phẩm. Ở nông thôn, hiện đang có nạn “liên hoan” phản khoa học về thời gian, dinh dưỡng, văn hóa. Mỗi người ở độ tuổi trưởng thành thường xuyên phải dự các bữa tiệc ê hề món ăn (mật độ dày hơn vào các tháng cuối năm) của các “lễ lạt” (sinh nhật, thôi nôi, hiếu hỷ, giỗ chạp); của các “hội hè” (đồng môn, đồng ngũ, đồng niên, phường hội); của các dịp “kỷ niệm”… đủ kiểu. Nhiều gia đình, vợ chồng phải thay phiên nhau đi “ăn xô”, mất tiền, mất sức, mất thời gian… Nhiều mâm cỗ, thức ăn được thực khách tiêu thụ không đáng kể. Lãng phí vô cùng! Lời các cụ dạy “hạt gạo, hạt vàng” bây giờ con cháu quên hết cả, để rồi tự làm khổ nhau, tự làm nghèo nhau! Lãng phí kiểu này có nguyên nhân từ tập quán, tư duy, tâm lý tiểu nông và ý thức cá nhân, do vậy, giải pháp căn cơ là thay đổi quan niệm văn hóa.

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm

Lãng phí nhân lực thể hiện ở lãng phí nhân công và chất xám. Ví như, một thời mở bung ra nhiều loại hình trường đại học (công lập, tư thục) mà không tính toán cụ thể đầu ra làm gì, ở đâu, dẫn đến người học ra trường thất nghiệp, số ít phải học lên Thạc sĩ để tìm kiếm cơ hội, nhiều người phải “giấu” bằng, đi học trung cấp để có việc làm… Căn bệnh lãng phí chất xám vẫn chưa có biểu hiện thoái lui, biểu hiện ở việc Nhà nước tốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm chi cho các đề tài khoa học, nhưng ít thấy các công trình ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả cao. Với khoa học phải đầu tư lâu dài, nhưng “lâu dài” quá, người dân có quyền nghi hoặc. Vẫn thấy báo chí đăng tin, nhiều đề tài nghiệm thu xong liền đưa vào “ngăn kéo”. Lại có kiểu đề tài không tương xứng với chuyên ngành (như đề tài Tiến sĩ nhưng nội dung ít tính khoa học, không có đóng góp mới nổi bật); đề tài trùng lặp; tình trạng “đạo văn”, “Chảy máu chất xám” cũng là lãng phí lớn. Nhiều sinh viên/cán bộ giỏi nghiên cứu trong nước, thành tài thì ra nước ngoài làm việc. Lại có không ít người học hành bài bản ở nước ngoài, về nước không được xếp đúng với công việc, vị trí. Nguyên nhân do cơ chế, do “ê kíp”, do môi trường… nhưng chủ yếu là do ý thức. Tại sao năm 1946, nhiều trí thức nổi tiếng chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, gian khổ, theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến? Như vậy, bên cạnh sửa đổi cơ chế, đãi ngộ, môi trường làm việc…, giải pháp chủ yếu vẫn là bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc.

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm
Nhiều trí thức nổi tiếng chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, gian khổ, theo Bác Hồ kháng chiến cứu nước.

Để chống thành công "giặc nội xâm" này, theo Bác Hồ, thì phải biết tiết kiệm. Mấy chục năm trước, vừa là người đưa ra giải pháp, cũng là tấm gương thực hành sáng nhất, Bác nhắc cán bộ, đảng viên: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”, thì ngoài đời, Bác là người mẫu mực. Thế giới nghiêng mình kính phục vị Chủ tịch nước mà ăn uống bình dân, đi công tác thì mang cơm nắm, chỉ đi đôi dép cao su và mặc bộ quần áo mà người dân thường nào cũng có thể có. Hôm nay, theo lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, mỗi cán bộ, đảng viên hãy là tấm gương về tiết kiệm, tất yếu, toàn dân sẽ hưởng ứng, làm theo. Thế nên, công cuộc Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ phải ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát biểu tại cuộc họp.

  • Hồi trống lệnh: Chống lãng phí  - Bài 1: Như giặc nội xâm
  • Nội dung: Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (HẢI LÝ, VĂN TUẤN, NGUYỄN HỮU QUÝ, NGUYỄN THANH TÚ
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: ĐẶNG CƯỜNG

top