
Cô giáo người Tày một chân "cõng chữ" ở Tây Bắc
Biến cố ập đến cướp đi một bên chân, tưởng chừng điều ấy sẽ buộc cô phải chia tay trường lớp, cất gọn giáo án cùng ước mơ còn dang dở. Nhưng không chịu khuất phục trước số phận, Nhà giáo Ưu tú Nông Thị Việt Nhung vẫn kiên trì tiếp tục đam mê, cống hiến sức mình cho sự nghiệp “trồng người” nơi núi rừng Tây Bắc.
Vượt hơn 250km từ Hà Nội, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) ngày chớm đông, mặt trời vẫn còn lấp ló sau những dãy núi, tiếng trống trường vang lên cho buổi chào cờ đầu tuần.
Chậm rãi từng bước, cô Nhung nở nụ cười trìu mến đón các em học sinh Lớp 4C ngay từ ngoài cổng trường. Cái khoanh tay lễ phép, tiếng đồng thanh: “Con chào cô ạ!”, cùng sự ấm áp của cô cho chúng tôi thấy được tình yêu nghề, yêu trẻ của cô giáo dân tộc người Tày này to lớn đến nhường nào.
Quay về những ngày tháng hun đúc ước mơ trở thành một cô giáo, cô Nhung bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên ở Lục Yên với hơn 53,3% là dân tộc Tày, cùng 16 anh em dân tộc khác, chứng kiến nhiều em học sinh không thể tới trường vì cuộc sống khó khăn nên tôi quyết tâm trở thành cô giáo. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn góp một phần nhỏ bé cho quê hương để cuộc sống của con em ngày càng tươi sáng hơn”.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô Nông Thị Việt Nhung theo học hệ 9+3 tại Trường bồi dưỡng giáo dục thường xuyên huyện Lục Yên. Ra trường năm 1995, cô giáo trẻ dân tộc Tày mang bao hoài bão, nhiệt huyết về giảng dạy ở Trường Trung học cơ sở Tân Lĩnh, một xã ven dòng sông Chảy của huyện Lục Yên.
“Ngày nhận quyết định về trường, cảm xúc tôi như vỡ òa vì đã có thể thực hiện được ước mơ mình ấp ủ bấy lâu. Nhà trường khi đó đã được xây dựng một dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học, hai dãy còn lại là nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng”, cô Nhung kể.
Đều đặn mỗi ngày, không quản nắng mưa cô Nhung đạp xe từ 6 giờ sáng để có thể kịp giờ vào lớp. Cô nhớ lại: “Nhiều hôm xe hỏng phải dắt bộ về nhà, dọc đường trở về chỉ toàn núi cao bao trùm một màu đen không bóng người qua lại, những lúc như thế càng hun đúc tinh thần yêu nghề yêu trò, mải miết dắt bộ thì cũng về đến nhà”.
Đến năm 1997, cô Nhung được chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Yên Thế số 1 (nay là Trường Tiểu học Trần Phú). Cô được học sinh, phụ huynh tin tưởng bởi sự năng động, tâm huyết trong giảng dạy. Năm 1999, cô giáo 24 tuổi vinh dự trở thành đảng viên trẻ nhất của chi bộ trường. Với vinh dự và niềm tự hào của một đảng viên trẻ, cô Nhung càng ý thức về trách nhiệm của mình hơn bao giờ hết quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người mà cô đã chọn.
Năm 2000 khi đang theo học lớp nâng chuẩn tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), chân trái của cô Nhung bắt đầu đau, đầu gối chân sưng to, đi lại rất khó khăn, đêm đến không ngủ được phải uống thuốc giảm đau thường xuyên, bắp chân trái bị teo nhỏ đi so với chân phải. Gác lại cơn đau về thân thể, cô Nhung vẫn mải mê với sách vở.
Chỉ đến khi được khám và mổ chân lấy kết quả sinh thiết cô Nhung mới thấy mức độ nghiêm trọng của cơn đau. “Lúc mổ khoét chỗ xương bị tổn thương, băng gạc phải nhét vào đó cầm máu nên mỗi lần thay băng tôi đau tận xương tủy”, cô Nhung kể.
Biết tin con gái mình phải chịu nỗi đau suốt thời gian dài, bố mẹ cô Nhung bàng hoàng, nhưng vẫn phải cố gắng kìm nén nước mắt bởi họ chính là nguồn động lực giúp cô vượt qua giai đoạn này.
Tia hy vọng thắp sáng lại cuộc sống đối với gia đình là khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm cô Nhung đủ sức khỏe để ghép xương; bác sĩ mổ một phần xương chậu để ghép cho cô. Hơn một tháng nằm điều trị, cô Nhung được xuất viện trở về với cuộc sống thường nhật.
Y học lúc đó chưa hiện đại nên việc đi lại của cô phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc nẹp sắt dài bên chân phải khiến di chuyển khá khó khăn. Đến ngày tháo nẹp, cả gia đình cô Nhung “chết lặng” bởi kết quả cơ thể không tiếp nhận phần xương được ghép. Tia hy vọng ngày nào giờ hóa thành vô vọng khi vết thương quá nặng, bác sĩ khuyên nên cắt bỏ đến một phần ba đùi để có thể đi được chân giả.
Nhớ lại, nước mắt cô Nhung cứ thế chảy, giọng cô trầm xuống nghẹn ngào: “Mọi ước mơ khi đó với tôi như sụp đổ hoàn toàn, tôi cáu giận với tất cả những lời hỏi thăm động viên của mọi người. Sau khi phẫu thuật xong ra khỏi phòng mổ, bên chân trái không còn nữa nhưng nó luôn bị co giật, bác sĩ giải thích đó là “hội chứng bàn chân ma”. Cảm giác vô cùng khó chịu vì co giật thường xuyên”.
Một cô giáo trẻ 26 tuổi mang trong mình bao ước mơ hoài bão lại rơi vào bế tắc, hụt hẫng, tiếc nuối chẳng biết phải tiếp tục sống ra sao. Ở cái tuổi đẹp nhất cuộc đời, cô Nhung ngày ngày chịu cơn đau về thể xác lẫn tinh thần, cô gầy hẳn đi, chỉ còn chưa đến 38kg. Cũng chính từ Bệnh viện K, nơi cô điều trị những ngày tháng sau phẫu thuật đã giúp cô tìm thấy được niềm tin, bắt đầu tia hy vọng mới vươn mình đón ánh nắng bình minh.
Cô Nông Thị Việt Nhung tâm sự: “Mỗi bệnh nhân đến với Bệnh viện K khi đó đều để lại một phần cơ thể của mình, có người còn là cả tính mạng. Có người mất tay nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan, họ còn phải tự kiếm sống và trang trải cuộc sống của mình. Và họ chia sẻ với tôi rằng mất đi một bàn chân còn hạnh phúc hơn rất nhiều người bị mất đi đôi tay, hay đôi mắt”.
Ngẫm lại những điều đó, nhìn người cha tóc bạc chứng kiến con mình phải trải qua cơn đại phẫu, người em đang theo học đại học năm cuối tất tả ngược xuôi chăm sóc chị, rồi nghĩ đến người mẹ ở nhà sau cú sốc cắt bỏ một bên chân nên cô Nhung đã vực lại tinh thần.
Tình yêu thương và động viên của gia đình như một chất xúc tác cho niềm tin về cuộc sống của cô Nhung trở lại. Bác sĩ điều trị cũng chia sẻ chỉ cần lắp cho mình một bên chân giả hợp lý là có thể làm việc được như người bình thường.
Ngày quay trở lại trường học, bước đi của cô Nhung nặng nề đến nhường nào, chỉ ai ở trong hoàn cảnh đó mới thấy cô nghị lực và mạnh mẽ vượt qua rào cản ra sao.
“Tôi vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên đi làm trở lại, bước chân vào hội đồng, ánh mắt mọi người nhìn tôi thật khác, người tiếc, người thương, người tò mò, có người còn muốn tôi cho xem bên chân đó. Nhưng lúc đó tôi thấy mình thật mạnh mẽ, quyết tâm không để bị thương hại”, cô giáo Nông Thị Việt Nhung chia sẻ.
Khi quay trở lại trường, cô Nhung không thể đứng lớp vì lý do sức khỏe nên được phân công phụ trách thư viện. Lương bị cắt giảm, khó khăn chồng chất khó khăn, ngoài làm ở trường cô Nhung còn phụ giúp bố mẹ bán hàng để trang trải cuộc sống.
Chính thời điểm đó Trường Tiểu học Trần Phú có một giáo viên được chuyển công tác về tỉnh, cô Nhung đã xin vào đứng lớp. Nguyện vọng được chấp nhận, cô Nhung được phân công dạy lớp 2.
Quay trở lại công việc mà cô coi đó là tình yêu, là sự sống, là định mệnh, cô Nhung vui hơn bao giờ hết. “Lần đầu quay trở lại bục giảng, tôi có cảm giác thật khác, đối diện với ánh mắt học sinh tôi chạnh lòng, những đứa trẻ ngây ngô đặt cho tôi đủ các câu hỏi về khiếm khuyết trên cơ thể của cô giáo mình”, cô Nhung cho hay.
Vượt qua những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, cô lại miệt mài nghiên cứu sách vở, giáo án, cộng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, đồng nghiệp…, cô đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình trên lớp. Năm học đầu tiên trở lại đứng lớp (2004-2005), cô đã tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi.
Khi bước chân lên bục giảng, các thầy, cô giáo trong ban giám hiệu cũng lo lắng. Kết thúc giờ dạy các thầy, cô ban giám khảo đều đánh giá tiết giảng quá tốt. Cô đã giành giải thưởng “Tiết dạy có phần minh họa hiệu quả nhất”, “Bộ hồ sơ có chất lượng” cùng với 2 tiết thao giảng đạt điểm cao nhất hội thi.
Với ý chí và quyết tâm vượt mọi gian khó, cô giáo Nông Thị Việt Nhung đã có 27 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Để khẳng định được chính mình, cô hoàn thành chương trình đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, vận dụng phương pháp giảng dạy mới, cách truyền đạt dễ hiểu để học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, được lãnh đạo trong ngành ghi nhận.
Tiêu biểu trong đó có thể kể đến nghiên cứu và thực hiện “Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu lớp 4 năm 2009”; “Một số biện pháp dạy Toán có lời văn cho học sinh lớp 5 năm 2011” được áp dụng trong chương trình giáo dục tiểu học tỉnh Yên Bái.
Cô Nông Thị Việt Nhung chia sẻ: "Học sinh tiểu học miền núi gặp khó khăn trong việc giải toán có lời văn, dùng từ đặt câu cho phù hợp. Để học sinh nắm vững kiến thức, hiểu yêu cầu đề bài nên tôi dùng phương pháp gần gũi nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, các em đã có thể áp dụng thuần thục, sử dụng câu từ đa dạng, sáng tạo trong cách giải toán có lời văn".
Như một cánh chim bay không mỏi, thành công đó như tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho cô chắp thêm đôi cánh để dệt tiếp những ước mơ hoài bão, để rồi những thành công lại nối tiếp những thành công khiến bạn bè đồng nghiệp và phụ huynh thực sự khâm phục.
Chính những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của cô giáo Nông Thị Việt Nhung, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên đã chọn cô làm nòng cốt của ngành và tin tưởng giao cho cô bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2003-2004, 2004-2005 cô đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Không chỉ giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề mà cô giáo Nông Thị Việt Nhung còn là một tổ trưởng chuyên môn luôn chủ động, sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, cô luôn có lối sống giản dị, xây dựng tập thể đoàn kết, giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo được đồng nghiệp tin tưởng, phụ huynh và học sinh yêu quý.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết: “Cô giáo Nông Thị Việt Nhung là người có đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục Lục Yên và tỉnh Yên Bái. Những năm qua, cô giáo Nhung đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là một giáo viên có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đối với cấp tiểu học, nhất là trong triển khai chương trình phổ thông mới với lớp”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, bà Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ sự tiếc nuối trước biến cố đối với cô Nhung, Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên của nhà trường cũng động viên kịp thời giúp cô Nhung có thêm nghị lực, đồng hành suốt thời gian điều trị tại Hà Nội.
Nhận xét về năng lực chuyên môn, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú khẳng định: “Cô Nông Thị Việt Nhung là một giáo viên cốt cán có trí tuệ, năng động, sáng tạo và có cống hiến độc đáo trong công tác chuyên môn cũng như giảng dạy; mọi phong trào hoạt động của nhà trường đều đứng đầu. Với năng lực đó, ban giám hiệu nhà trường bổ nhiệm cô Nhung làm Tổ trưởng chuyên môn từ rất nhiều năm với số lượng giáo viên đông nhất, giúp đỡ nhiều giáo viên trong tổ thành giáo viên dạy giỏi các cấp”.
Thầy Nguyễn Viết Cường, giáo viên Lớp 3A, Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ: “Cô Nhung là một trong những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, là hạt nhân cốt cán của trường cũng như của ngành giáo dục Yên Bái. Đối với đồng nghiệp, cô luôn hòa nhã, nhiệt tình. Đặc biệt, cô luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết các vướng mắc; luôn được phụ huynh tin tưởng giao đảm nhiệm giảng dạy con em của họ, là tấm gương để đồng nghiệp noi theo trước nghị lực cuộc sống phi thường như vậy”.
Năm 2017, cô giáo Nông Thị Viết Nhung vinh dự được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú - danh hiệu cao quý của ngành Giáo dục và Đào tạo và cũng là một trong những Nhà giáo Ưu tú trẻ nhất của tỉnh Yên Bái. Năm 2019, Nhà giáo Ưu tú Nông Thị Việt Nhung được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhằm biểu dương nghị lực và cống hiến với ngành giáo dục.
Không chỉ có vậy, cô Nhung nhiều năm được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, 5 lần được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 14 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2 lần được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là đại biểu tiêu biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020…
Có thể với mọi người đó là một điều bình thường nhưng với cô Nhung nó có ý nghĩa rất lớn lao khi được mọi người công nhận, đánh giá đúng khả năng, nỗ lực của bản thân. Có người đã nói với cô Nhung rằng: “Chẳng việc gì em phải mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết một phần cơ thể mình. Còn có những người họ khiếm khuyết về tâm hồn mới là điều đáng hổ thẹn”. Những ghi nhận đó đã giúp cô tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn.
Chia tay Nhà giáo Ưu tú, cô giáo Nông Thị Việt Nhung, ánh mắt cương nghị, nụ cười dễ mến, giọng nói nhỏ nhẹ hiền từ của cô giáo dân tộc Tày đầy bản lĩnh vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi.
Tấm gương vượt qua hoàn cảnh và ý thức phấn đấu vươn lên của cô giáo Nhung chính là sự lan tỏa cho tôi, cho những đồng nghiệp của cô một tấm gương sáng như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cảm ơn cô giáo Nông Thị Việt Nhung – đóa sen thơm ngát tài năng và nghị lực của vùng đất Lục Yên thanh bình đã cho tôi và mọi người biết sống nghị lực vươn lên không ngừng, cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.
- Nội dung: HỒNG PHÚC - HOÀNG LAN
- Ảnh: HỒNG PHÚC
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC