Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia: Ba dân tộc chung khát vọng độc lập: Bài 1: Liên minh chiến đấu từ quan hệ “như môi với răng”

LTS: Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia là liên minh cách mạng; liên minh đoàn kết chiến đấu trên một chiến trường thống nhất của ba nước Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ba nước luôn gắn kết chặt chẽ tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nòng cốt của liên minh. Hướng tới Lễ kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), chúng ta không quên những đóng góp to lớn của liên minh trong sự nghiệp thống nhất nước nhà. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt 4 bài với chủ đề “Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia: Ba dân tộc chung khát vọng độc lập” nhằm tái hiện quá trình hình thành, chiến đấu, chiến thắng của liên minh. Loạt bài có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm đem đến góc nhìn tổng quan, sâu sắc về tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia.

Có lẽ, trên thế giới này, thật khó tìm thấy một mối quan hệ gắn bó keo sơn, sâu nặng nghĩa tình hơn như giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đó là tình đoàn kết, thủy chung được khắc sâu qua từng trang sử hào hùng của mỗi dân tộc, được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ trên bán đảo Đông Dương, được ví “như môi với răng”, mối quan hệ keo sơn, gắn bó đến cùng. Vì chung vận mệnh bị ngoại bang xâm lược, có chung kẻ thù xâm lăng, nên ba dân tộc chung cả sứ mệnh chiến đấu giải phóng dân tộc. Từ đây, liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung cũng dần được hình thành, phát triển, chiến đấu trên một chiến trường thống nhất Đông Dương.

Chung vận mệnh, chung chiến tuyến, chung sứ mệnh

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự hình thành nên tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa Việt Nam, Lào và Campuchia là quy luật tất yếu khách quan, mang ý nghĩa tồn vong của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Tình cảm này được hun đúc qua hàng thế kỷ, bắt nguồn từ mối liên hệ không thể tách rời về văn hóa, lịch sử, địa lý và cùng chung sứ mệnh đấu tranh giành độc lập, bảo vệ lãnh thổ và xây dựng đất nước.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng.

Cùng có chung vận mệnh, chung kẻ thù xâm lược, nên cùng chung sứ mệnh thiêng liêng nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc - yếu tố khiến ba dân tộc có truyền thống gắn bó bền chặt như “môi với răng”. Theo Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, yếu tố tất yếu khách quan trước hết của tình đoàn kết liên minh giữa ba dân tộc là: “Xuất phát từ việc sau khi thực dân Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương, chúng sáp nhập ba nước thành Liên bang Đông Dương và chia Đông Dương thành 5 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ của Việt Nam và hai xứ: Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia). Âm mưu của chúng là “chia để trị”. Cùng cảnh ngộ, cùng chung một kẻ thù, nên từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân ba nước đã thường xuyên liên hệ với nhau trong đấu tranh chống thực dân Pháp. Sự liên hệ đó đã mở đầu cho truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong suốt hơn một thế kỷ qua”.

Học giả Uch Leang, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam (CAVA)

Đồng quan điểm, học giả Uch Leang, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam (CAVA) nhận định: “Xuất phát từ tinh thần đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, mối liên kết giữa ba nước Đông Dương không chỉ là nhu cầu lịch sử mà còn phản ánh một quy luật khách quan trong sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc. Chính sự kề vai sát cánh, chung một chiến tuyến mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu không có sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau, ba nước khó có thể vượt qua những thử thách to lớn của cuộc đấu tranh giành độc lập”.

Quan điểm này cũng được Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam làm rõ: “Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời của ba dân tộc và trên nền tảng chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đây là thành quả vĩ đại được vun đắp bằng trí tuệ, xương máu của nhiều thế hệ ba dân tộc, phát triển từ không đến có, từ thấp đến cao, từ liên minh chính trị, quân sự tiến lên liên minh toàn diện, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Đông Dương trong gần một thế kỷ qua”.

Mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước còn bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và đặc biệt là vị trí địa - chiến lược. Ba nước Đông Dương nằm ở khu vực trọng yếu của Đông Nam Á, nơi hội tụ nhiều tuyến giao lưu quốc tế quan trọng, có ý nghĩa chiến lược từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Ba nước cùng tạo thành một thế liên kết vững chắc ở khu vực Thái Bình Dương.

Đại hội Liên minh Việt - Miên - Lào tại Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

“Việt Nam nằm dọc phía Đông bán đảo, như “cửa ngõ” ra Biển Đông của Đông Dương và cả vùng Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong giao thông hàng hải quốc tế. Lào nằm phía Tây bán đảo, được ví như “thành lũy” bảo vệ hậu phương của Đông Dương. Campuchia ở phía Tây Nam bán đảo, tựa vào Việt Nam và Lào, giữ vị trí “vành đai bảo vệ cạnh sườn”, là “tiền đồn” quan trọng phía Tây Nam bán đảo Đông Dương. Trên đất liền, dãy Trường Sơn hùng vĩ cùng sông Mekong trải dài qua ba nước được ví như “cột sống” và “mạch máu” chung của khu vực. Cùng với đó là nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, được thiên nhiên ưu đãi. Do vậy, ba nước Đông Dương thường là nạn nhân của những thế lực đi xâm lược nhòm ngó, xâm lăng”, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu đã đưa ra những quan điểm phân tích.

Có thể nói rằng, các điều kiện tự nhiên, địa - chiến lược, địa - quân sự, dân cư, xã hội, văn hóa của mỗi nước, dù có nét tương đồng hay riêng biệt, thì cũng là cơ sở hình thành quan hệ đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ba nước Đông Dương. Vận mệnh ba dân tộc luôn gắn chặt với nhau, nên nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia dễ đồng cảm và liên kết với nhau một cách tự nhiên trong suốt chiều dài lịch sử để đấu tranh chống các thế thực xâm nhập từ bên ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho liên minh chiến đấu
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam

Trao đổi về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đặt nền móng mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Trên phương diện quan hệ quốc tế, Người là hình mẫu tiêu biểu phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Trong đó, những đóng góp to lớn của Người đối với sự phát triển quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là một biểu hiện sinh động nhất”.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn đau đáu cho vận mệnh Đông Dương. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (xuất bản tại Pháp) cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc cảnh tỉnh mạnh mẽ về nguy cơ diệt vong nếu giới trẻ Đông Dương không thức tỉnh. Từ thực tế tình hình Đông Dương lúc đó, Người đã xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, nơi ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Người đã đề ra đường lối cách mạng phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu giải phóng dân tộc của mỗi nước, vừa thúc đẩy tình đoàn kết ba nước trên nguyên tắc độc lập, tự chủ và tôn trọng lẫn nhau. Người luôn coi việc giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia là nhiệm vụ quốc tế quan trọng với tư tưởng “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”. Thể hiện niềm tin của mình vào tình đoàn kết và hợp tác giữa ba dân tộc, ba nước, Người khẳng định: “Tôi tin chắc rằng các dân tộc ta, đã sẵn có một tinh thần tranh đấu cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ, thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập”.

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở vững chắc. Trong các tài liệu khảo cứu lịch sử đều cho thấy Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam, cũng là người Đông Dương đầu tiên đến với Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Đông Dương. Quá trình chuẩn bị công phu về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, đồng thời với việc quan tâm xây dựng yếu tố bên trong cho cách mạng Lào và Campuchia, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành mối quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ảnh trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (năm 1966). Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Souphanouvong bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội, ngày 4-9-1945. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Nhà xuất bản Thông tấn)
Ảnh trái: Lễ chào cờ của Liên quân Việt - Miên trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh phải: Hội nghị cán bộ toàn Miên lần thứ nhất, từ ngày 12 đến 22-3-1950.
Liên quân Việt Nam - Lào trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Nhà xuất bản Thông tấn)

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các đại biểu cách mạng từ Lào và Campuchia. Qua đó, tạo dựng niềm tin vững chắc rằng, sức mạnh của liên minh chính là chìa khóa để đánh bại kẻ thù chung. Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chứa đựng thông điệp về sự cần thiết của đồng lòng, đồng sức, vì mục tiêu cao cả của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu khẳng định: “Có thể nói, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; Người đã ra sức củng cố khối liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân Đông Dương và cũng chính là người khai sinh ra mối quan hệ đặc biệt giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng vững chắc cho liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, đây là một chân lý lịch sử. Qua từng lời nói, việc làm của Người đã khẳng định một giá trị sáng ngời, đó là mọi thành công của cách mạng đều nằm ở sự đồng tâm hiệp lực, ở sự liên kết bền chặt giữa các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Chính phủ Xụvănna Phuma cùng Đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc Vương quốc Lào thăm Việt Nam, ngày 26-4-1961. Ảnh: tư liệu

Đảng Cộng sản Đông Dương biểu tượng của ý chí đoàn kết vô song

Dưới ánh sáng của lịch sử đấu tranh hào hùng bất diệt, dưới ách thống trị thực dân Pháp kéo dài hơn 70 năm, sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở ra một trang sử mới cho tiến trình thống nhất và phát triển của ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự kiện này không chỉ là khởi đầu của một tổ chức chính trị mang tính cách mạng với đường lối, sách lược đúng đắn mà còn là lời hiệu triệu chung của tinh thần đoàn kết, thống nhất của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Sơn Ngọc Minh, một trong các lãnh tụ chống thực dân Pháp của Campuchia, năm 1954.

Về sự kiện lịch sử trọng đại này, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải chia sẻ: “Ba nước Đông Dương có chung vận mệnh lịch sử bị xâm lược và biến thành thuộc địa của thực dân Pháp, thực dân Pháp được nhận diện chính là kẻ thù chung của Đông Dương. Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, sự kiện này đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân ba nước đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập cho nhân dân mỗi nước”.

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là hạt nhân lãnh đạo đoàn kết ba dân tộc, là cơ sở, là tiền thân của liên minh đặc biệt được phát triển vững chắc trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt thời kỳ đen tối không có đường ra của các dân tộc Đông Dương sau hơn 70 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

Ảnh trái: Liên quân Việt - Lào phối hợp chiến đấu tại Lao Bảo (Quảng Trị) năm 1946. Ảnh phải: Liên quân Việt - Lào chào cờ trước giờ xuất trận (1946). (Nguồn Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào Nhà xuất bản Thông tấn)

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu cho rằng: “Đây là bước ngoặt quyết định đối với lịch sử cách mạng Đông Dương, chứng tỏ giai cấp vô sản Đông Dương đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đây cũng là bước ngoặt quyết định đối với tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia”.

Trao đổi về vấn đề này, học giả Uch Leang đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tinh thần đoàn kết của Đảng Cộng sản Đông Dương trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp: “Tinh thần đoàn kết Đông Dương tiếp tục được ba Đảng, ba Nhà nước gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay, trở thành nền tảng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước”.

Để khẳng định cho quan điểm của mình, học giả Uch Leang đã dẫn chứng: “Lãnh đạo cấp cao ba Đảng, ba nước vẫn luôn duy trì trao đổi và tiếp xúc thường xuyên, gần đây nhất ngày 22-2-2025 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao ba nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, khẳng định cam kết chung trong việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng giữa ba dân tộc”.

Các đại biểu dự Hội nghị cán bộ toàn Miên lần thứ hai, tháng 6-1951.

Lịch sử đã chứng minh, trước sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, mối quan hệ giữa ba dân tộc chủ yếu là quan hệ láng giềng thân thiện, đối mặt chung với sự áp bức của thực dân Pháp nhưng chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra một khối thống nhất đấu tranh. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đã biến đổi mối quan hệ này thành một quan hệ đặc biệt, có tính tự giác và chủ động hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào cách mạng của Việt Nam, Lào và Campuchia dần khẳng định được sức mạnh tập thể, từ đó hình thành nên mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu và tinh thần đoàn kết vô song.

Bộ đội Việt Nam làm lễ chào cờ, nhận nhiệm vụ trước khi ra mặt trận Lào-Miên (20-9-1947). Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào Nhà xuất bản Thông tấn,

  • Nội dung: Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC