Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 1: Thế hệ vàng tỏa sáng trăm năm

Lời tòa soạn

Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất là đợt sinh hoạt chính trị-văn hóa quan trọng, góp phần làm nên thành công kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).

Độ lùi nửa thế kỷ cho phép chúng ta đánh giá toàn diện chuyển động của nền văn nghệ trong bối cảnh xã hội thời chiến chuyển sang thời bình, tiến hành công cuộc đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế. Thành tựu của nền văn nghệ 50 năm qua là lớn lao, song vẫn còn đó nhiều điều chưa được như kỳ vọng. Điều quan trọng hơn là từ hoạt động tổng kết sâu rộng này, gợi mở suy tư: Văn nghệ góp phần xây dựng nền tảng tinh thần và sự phát triển toàn diện của con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như thế nào? Nhất là năm 2025 đánh dấu thời điểm còn 20 năm nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thời điểm này Nghị quyết XIII của Đảng đặt mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, một mục tiêu chứng minh chúng ta đang ở trong kỷ nguyên vươn mình.

Một nền văn nghệ phát triển trong đa dạng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân và góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” dân tộc càng trở nên quan trọng ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Khi thế giới là “ngôi làng toàn cầu”, rất nhiều lĩnh vực hòa vào nhau, nhưng văn hóa, văn nghệ là tài sản riêng làm nên “căn cước” dân tộc. Nhìn vào tác phẩm là biết được tâm hồn, tâm lý dân tộc như thế nào, bởi chính văn nghệ góp phần tạo ra những nhân cách con người. Có thật nhiều tác phẩm nghệ thuật chân-thiện-mỹ thì tâm hồn người Việt mới kết tinh, lắng đọng các giá trị tốt đẹp, nhất là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, ngày 30-12-2024.

Bộ mặt của văn nghệ Việt Nam trong tương lai phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ văn nghệ sĩ - chủ nhân của những tác phẩm văn hóa, văn nghệ, xây đắp yếu tố cơ sở cấu thành nên một nền văn hóa giàu có, đa dạng. Tài năng của văn nghệ sĩ thuộc về tư chất cá nhân, ít nhiều có yếu tố thiên bẩm; và nếu được nuôi dưỡng trong sinh quyển phù hợp, được chăm lo đúng mức và thiết thực sẽ thăng hoa sáng tạo, khoe đủ mọi sắc màu cá tính.

Nhìn lại 50 năm văn nghệ sau Ngày đất nước thống nhất trước hết là rút ra những quy luật, bài học làm rõ đặc điểm chung của văn nghệ sĩ Việt Nam, vừa tìm ra những nét riêng của từng thế hệ. Điều độc đáo và thú vị là trong 50 năm qua, có đến bốn thế hệ văn nghệ sĩ cùng đồng hành xây đắp nền văn học nghệ thuật cách mạng. Khoảng cách về tuổi đời giữa các thế hệ có khi là hàng chục năm: Có người thuộc thế hệ tiền chiến lừng danh, sau năm 1975 dù tuổi đã cao vẫn kiên trì sáng tạo, có được thành tựu lớn, mãi là niềm tự hào và ngưỡng mộ của giới văn nghệ. Nối tiếp là một thế hệ nghệ sĩ-chiến sĩ, trưởng thành từ khói lửa chiến trường, dấn thân phụng sự lợi ích xã hội để có ngày toàn thắng. Khi đất nước đổi mới, một thế hệ văn nghệ sĩ dùng tài năng của mình đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật mãnh liệt, triệt để; và hiện nay là một thế hệ không hề biết đến tiếng bom rơi, mùi thuốc súng, hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật đương đại, nỗ lực tạo ra “làn sóng Việt Nam” vươn ra toàn cầu.

Từ những môi trường xã hội, hoàn cảnh lịch sử khác nhau và bằng những “con đường” khác nhau, các thế hệ đều mang trong mình tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó. Bên cạnh những điểm chung, có thể thấy rất nhiều nét khác biệt, tạo ra mức độ ấn tượng, tác động, lan tỏa rất khác nhau của tác phẩm nghệ thuật ở mỗi thời kỳ. Chỉ khi thấu hiểu những nét đặc thù trong hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ và những điểm khác biệt giữa các thế hệ, chúng ta mới tìm ra hướng đi đúng để quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; xem đây là một giải pháp căn cơ để xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng ta đánh giá cao đóng góp của văn nghệ sĩ với sự nghiệp cách mạng; luôn chủ trương phát triển văn nghệ xứng tầm với trình độ phát triển xã hội. Song việc cụ thể hóa chủ trương thành thể chế, chính sách trong đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy, đãi ngộ đội ngũ văn nghệ sĩ, có nơi có lúc chưa được như mong muốn. Nếu không sớm có những thay đổi mang tính căn bản, nền văn nghệ Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt, trống vắng lớp nghệ sĩ kế cận “vừa hồng vừa chuyên”. Điều này càng trở nên cấp thiết khi đã xuất hiện không ít những văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, bắt chước lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục; thậm chí một số cá nhân lợi dụng văn nghệ để đả phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với mong muốn góp phần vào công cuộc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, đồng hành cùng dân tộc, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân thực hiện loạt bài:

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Một sáng ngày đông năm 2020, hàng loạt tờ báo loan tin: Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời, hưởng đại thọ 100 tuổi. Để công chúng chú ý đến tin tức này, nhiều tờ báo đã “chua thêm”: Nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới đã ra đi! Thi sĩ sống trọn thế kỷ đã nằm xuống là chỉ dấu về “thế hệ vàng” văn nghệ sĩ tiền chiến đầy tài năng, chuyên nghiệp với những sáng tác có ảnh hưởng lâu dài, giờ chỉ còn trong ký ức…

Sử nhân đích thực của thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến là nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Là một người trong cuộc, những trang hồi ức để lại thật sinh động, hấp dẫn như mới ngày hôm qua. Đọc kỹ, sẽ nhận ra chính con đường bước vào nghề văn của “ông dế mèn” là ví dụ sinh động để mai hậu hiểu rõ về một thế hệ vàng của văn nghệ Việt Nam.

Chân dung nhà văn Tô Hoài và một số tác phẩm của ông xuất bản trước năm 1945.

Văn nghệ thời tiền chiến là thời đại của con người cá nhân, thấm đẫm tinh thần lãng mạn. Nhưng có lẽ trong giấc mơ lãng mạn hoang đường nhất, anh thanh niên Nguyễn Sen cũng không mường tượng sẽ trở thành tượng đài Tô Hoài lừng lẫy. Hiện thực trước mắt anh đang đứng bán giầy kiếm sống ở phố Hàng Đào, khu vực buôn bán sầm uất của thủ phủ Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.

Sinh trưởng ở vùng ven đô, Nguyễn Sen là một anh nhà quê trong mắt dân phố; gia cảnh chẳng khá giả, học hết bậc tiểu học, đủ để giao tiếp và đọc sách báo bằng tiếng Pháp cũng là cố gắng lắm rồi. Phải bươn chải làm đủ nghề để tồn tại, ấy vậy mà Nguyễn Sen vẫn nuôi một giấc mộng văn chương. Thời gian rảnh rỗi, anh tranh thủ đọc đủ các loại sách, truyện thời bấy giờ in trên Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm… Rồi anh cũng tập tành viết văn, gửi bản thảo đi khắp nơi, ngóng chờ những hồi âm. Mấy ông chủ nhà xuất bản “ngâm” một thời gian, “ngửi” ra truyện không ăn khách, từ chối in. Thi thoảng có truyện ngắn đăng trên báo nhưng không trả tiền nhuận bút với lý do đăng ở báo là vinh dự của anh, chứ báo không mời anh cộng tác.

Vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương đã giúp đỡ nhà văn Tô Hoài đăng những tác phẩm văn học đầu tiên trên Hà Nội tân văn.

Năm 1940, Nguyễn Sen từ bỏ chân đứng bán giầy lĩnh 6 đồng hàng tháng để bước vào nghề văn. Dứt khoát bước vào nghề văn, âu cũng chẳng thơ mộng gì! Truyện ngắn “Nước lên” đăng trên Báo Hà Nội tân văn, được trả nhuận bút 5 đồng. Số tiền ấy Tô Hoài may một bộ quần áo Tây và đôi giày vải trắng, trút đi áo dài thâm và đôi guốc mộc. Mua một cân kẹo sìu chia cả nhà, còn mua đôi vòng huyền cho em gái, ấy vậy mà vẫn còn tiền. Tính ra mỗi đêm Tô Hoài có thể viết một truyện ngắn, vậy còn đi bán giầy làm gì nữa!

May mắn cho Tô Hoài khi được chủ bút Hà Nội tân văn là Vũ Ngọc Phan nâng đỡ. Không chỉ liên tục đăng những sáng tác đầu đời của nhà văn trẻ, theo hồi ức của Tô Hoài, “ông Bụt” Vũ Ngọc Phan là người hướng dẫn Tô Hoài đọc văn chương bài bản, có phương pháp; học công việc làm báo.

Nhà văn Tô Hoài là văn nghệ sĩ tiền chiến tiêu biểu góp công xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng.
Trong các ảnh từ trái qua: Nhà văn Tô Hoài (thứ 4 hàng trước) và các nhà văn tại Lạng Sơn (tháng 7 -1968) * Nhà văn Tô Hoài và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân La Văn Cầu (tháng 7-1968). * Nhà văn Tô Hoài với các cháu đoạt giải cuộc thi “Viết về tuổi nhỏ chống Mỹ, cứu nước” lần thứ 3 năm 1971.

Câu chuyện vào nghề văn của Tô Hoài không phải là quá đặc biệt. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Hồng, Nam Cao, Kim Lân… cũng xem viết văn là một nghề nghiệp trước là để kiếm sống, và hơn hết giữ cho mình trong sạch, cống hiến cho cuộc đời, ở thời buổi quá nhiều biến động.

Tính ra trước Cách mạng Tháng Tám, số người biết chữ có thể gọi là trí thức chỉ khoảng 1 triệu người trong số dân khoảng 20 triệu. Không phải ai cũng có điều kiện học cao để đi làm công chức, thu nhập ấm êm. Cũng không phải ai cũng có cơ may giác ngộ cách mạng hoặc đủ dũng khí đi làm việc lớn.

Với Tô Hoài, ông gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc năm 1943, từ đó cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Từ một nhà văn viết trong xã hội cũ, viết để bán được văn, tự do phóng túng; nay là thay đổi để phục vụ cách mạng, kháng chiến, viết để phụng sự xã hội, để tuyên truyền, cổ động mà vẫn có giá trị nghệ thuật thật chẳng dễ dàng. Điều đáng ngạc nhiên là dẫu thế sự có biến động ra sao, ông vẫn viết và viết thì luôn mới mẻ.

Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới). Ảnh: Tư liệu
Ảnh trái: Nhà văn Tô Hoài (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà văn, nhà báo tại Việt Bắc. Ảnh phải: Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Trần Văn Lưu

Đất nước thống nhất mùa Xuân 1975, thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến được xếp vào nhóm người cao tuổi. Nhiều người vẫn sáng tác nhưng ít người vượt qua cái bóng của chính mình; năng lượng sáng tạo của họ đã dồn hết vào các giai đoạn trước. Nhưng Tô Hoài là một trường hợp ngoại lệ! Hơn 20 tuổi ông đã có truyện đồng thoại nổi tiếng “Con dế mèn”, tiểu thuyết xuất sắc “Giăng thề”; những năm tháng chiến tranh ông để lại dấu ấn với “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”… Đất nước hòa bình, rồi tiếp theo là công cuộc Đổi mới, bao trường phái, phong cách văn chương ùa đến, Tô Hoài như trẻ lại, viết không ngừng, còn tiên phong mở ra một mảng đề tài mới là hồi ức, tự truyện đặc sắc. “Cát bụi chân ai” (1992) được chính những nhà nghiên cứu văn học nước ngoài đánh giá là hiện đại trong lối viết. Cho đến những năm cuối đời, Tô Hoài vẫn ra sách đều, cuốn nào cũng bán chạy như “tôm tươi”. Hãy hình dung, nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư kém nhà văn Tô Hoài tận 56 tuổi, mới bắt đầu bước vào nghề văn và có chút tiếng tăm những năm đầu thế kỷ XXI; đồng hành với cô là trưởng lão Tô Hoài.

Ảnh trái: Nhà văn Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Mai Ngữ. nh phải: Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội họp mặt chúc thọ nhà văn Tô Hoài 90 tuổi.
Nhà văn Tô Hoài tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai cố nhà văn Tô Hoài.

Là người gần gũi nhất với nhà văn Tô Hoài sau năm 1975, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai cố nhà văn, nhớ lại: Bố tôi tự nhận không phải là người tài năng xuất chúng, ông chỉ xem mình là người chịu khó, cần mẫn với nghề văn. Điều tôi phục nhất ở ông là sự cần cù trong công việc, viết văn với ông là một nghề, mà đã là nghề phải lao động chuyên nghiệp, không phải tùy hứng. Từ lúc trẻ, ông đã viết văn một cách chuyên nghiệp; chẳng hạn, ông có thể làm nhiều việc một lúc, dù ngồi họp hành gì đó, ông vẫn có thể mở sổ tay ra viết văn. Sau năm 1975, tuổi càng cao nhưng sức làm việc của ông không thay đổi. Ông ngủ mỗi ngày chỉ 4-5 tiếng, còn lại là làm ba việc “đi-đọc-viết”. Những ngày cuối đời, ông vẫn còn minh mẫn, vẫn có thể đọc và viết được. Ông là người có trí nhớ tốt nhưng ông vẫn giữ thói quen ghi chép. Hiện nay, số lượng di cảo của bố tôi để lại rất lớn, mà tôi mới chỉ đủ sức xuất bản được ba tác phẩm.

Sau năm 1975, sức viết của nhà văn Tô Hoài ngày càng mạnh mẽ hơn..

Khi bàn đến những đóng góp của văn nghệ sĩ tiền chiến, công lao lớn nhất vẫn là hiện đại hóa văn nghệ Việt Nam từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, hòa nhập với thế giới. Song ít người để ý đến công lao khoác lên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc những nét hiện đại, mang bản sắc dân tộc đóng góp cho nhân loại. Điều thú vị là sau năm 1975, nhiều văn nghệ sĩ đã thành công với nẻo về nguồn cội trong sáng tạo, truyền cảm hứng đến tận bây giờ. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016) là một ví dụ cho khuynh hướng sáng tạo kể trên, ông đã có ý thức sáng tạo từ rất sớm, đặc biệt thành công sau năm 1975.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Nguyễn Tư Nghiêm cũng như nhà văn Tô Hoài được trời ban cho tuổi thọ gần bách niên. Cuộc đời ông cũng là một tấm gương lao động chuyên nghiệp, không biết mệt mỏi. Nhưng điểm xuất phát lại khác nhau, Nguyễn Tư Nghiêm vốn con quan, gia cảnh khá giả, không phải quá quan tâm đến chuyện kiếm sống. Và cũng khác với nhà văn có thể tự học, nghề họa sĩ phải đến trường lớp bài bản. Nguyễn Tư Nghiêm rời quê nhà Nghệ An theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.

Một số hình ảnh học tập hội họa hiện đại đầu thế kỷ XX.

Cho đến đầu thế kỷ XX, họa sư ở Việt Nam chủ yếu chỉ là nghệ nhân khuyết danh, không có khái niệm họa sĩ chuyên nghiệp. Sự ra đời của các cơ sở đào tạo mỹ thuật phương Tây và việc hình thành thị trường nghệ thuật là những cơ sở quan trọng tạo ra lớp họa sĩ Việt Nam mới. Nhưng bằng lăng kính riêng, các họa sĩ Việt đã lĩnh hội phương pháp giáo dục hiện đại, lấy đó làm cơ sở vững chắc để phát triển truyền thống mỹ thuật của riêng mình. “Vì thế, những người đã học ở trường đó đều có kiến thức vững chãi về mỹ thuật phương Tây để vận dụng vào Việt Nam. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành mỹ thuật của nước ta”, họa sĩ Trịnh Lữ nhận xét.

Bộ tứ thành danh mà Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo “Sáng-Nghiêm-Liên-Phái” (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) đều đã thoát khỏi ảnh hưởng của nhà trường. Với Nguyễn Tư Nghiêm, ông quay về với giá trị dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đánh giá, nếu nói về tính dân tộc trong hội họa, thì Nguyễn Tư Nghiêm là vô địch. Đó là vì Nguyễn Tư Nghiêm đã hút hết cái tinh túy của nghệ thuật cổ kim đông tây và nghệ thuật Việt Nam cổ, rồi nhất thể hóa tất cả để tạo thành một phong cách dân tộc, hiện đại: Phong cách Nguyễn Tư Nghiêm.

Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, chất liệu thế mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống. Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc biệt bằng cách nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và hòa nhập quá khứ với hiện đại. Ông tìm về văn hóa mỹ thuật dân gian như cội nguồn, kế thừa người đi trước, nhưng không bị trói buộc trong một không gian, khuôn khổ nào ngoài sáng tạo của bản thân. Như nhà bác học Albert Einstein từng phát biểu: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức thì hạn chế. Trí tưởng tượng lại bao quanh cả thế giới. Trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới, và cả những kiến thức chưa ai biết, chưa ai hiểu được. Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu”. Ở đây cần hiểu trường hợp Nguyễn Tư Nghiêm quay về với cảm hứng văn hóa dân tộc không phải chỉ là đề tài như con giáp, điệu múa cổ…; quan trọng là tìm ra cách thức hòa quyện đề tài trong phong cách hiện đại một cách nhuần nhị.

Tác phẩm sơn mài “Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Năm 1990, tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, tác phẩm sơn mài “Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã giành giải Nhất và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm tác phẩm ngay tại sự kiện đó. Ông Gióng trong thần thoại đã bay về trời, còn “Ông Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm trở thành Bảo vật quốc gia, đi khắp thế giới để giới thiệu về nền mỹ thuật đặc sắc của Việt Nam.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhắc đến những trao đổi với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm về tác phẩm “Gióng”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Ông Gióng này khác rất nhiều ông Gióng khác mà ông (danh họa Nguyễn Tư Nghiêm) đã từng vẽ. Từ nghệ thuật, xuất hiện ngựa 8 chân. Ông có nói với tôi rằng, ông nhìn qua điêu khắc nền tảng, những vó ngựa tung múa, rất nhiều chân, rất nhiều nhịp. Đấy là cảm xúc đầu tiên của ông khi cảm nhận những giá trị di sản của triển lãm, đặc biệt là khoảnh khắc nhìn lại, ta thấy cái cách ông tạo nên một cấu trúc bức họa, một con ngựa không phải thuần túy sao chép con ngựa thật, một con ngựa bay múa đưa ông Gióng về trời”.

Hơi thở đương đại trong Thánh Gióng là hơi hướng mang tính lập thể, thấm nhuần tư tưởng phương Đông. Đây là điều mà tranh sơn mài của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm khó mất vị thế trong giá trị cổ điển của sơn mài truyền thống.

Xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu chưa bao giờ cũ. Bằng tài năng, tinh thần dân tộc, cá tính sáng tạo, thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến mà tiêu biểu là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã giải quyết bài toán hóc búa đó một cách xuất sắc. Thời điểm đó cách đây gần một thế kỷ, là lần đầu tiên văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiếp xúc với thế giới. Còn lần này ở thời đại thế giới phẳng, nước ta hội nhập quốc tế và khu vực sâu rộng, sứ mệnh này lại đặt lên vai những văn nghệ sĩ đương đại. Thời gian sẽ cho công chúng câu trả lời chính xác nhất!

Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện liên quan đến đội ngũ văn nghệ sĩ tiền chiến vẫn tiếp tục sáng tạo, cống hiến sau năm 1975, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên phó viện trưởng Viện Văn học.

Phóng viên: Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn nghệ sĩ tiền chiến, theo ông, cơ sở nào để đội ngũ văn nghệ sĩ này đi đến những đỉnh cao nghệ thuật?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học.

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất kiến tạo nên thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến chính là bối cảnh thời đại vô cùng đặc biệt. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thế giới bước vào thời hiện đại, gắn với quá trình thực dân hóa, xâm chiếm và khai thác thuộc địa đã khiến khoảng cách địa lý, thông tin, tri thức không còn là bao. Nhờ giao thông, truyền thanh, sách báo, người ở thuộc địa về cơ bản có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt về vật chất, tinh thần như ở chính quốc.

Giáo dục phương Tây mang đến tư duy phân tích duy lý mà giáo dục Nho học không làm được. Ba nguyên lý giáo dục hiện đại là khoa học, tiến bộ và chủ nghĩa nhân đạo đã thôi thúc ý thức cá nhân phát triển trong xã hội. Có ý thức cá nhân mới sáng tạo mãnh liệt, khác với lối học truyền thống Nho học quẩn quanh trong kinh sách, kìm hãm sự phát triển.

Mặt khác, văn hóa truyền thống vẫn còn sức ảnh hưởng lớn, lớp văn nghệ sĩ Việt Nam không bị cắt lìa khỏi môi trường văn hóa dân tộc, cho nên họ là lớp người am tường Đông Tây kim cổ, dung hòa được mâu thuẫn giữa các nền văn hóa. Nhưng trên hết, họ có suy nghĩ, sức sáng tạo mới mẻ, hòa nhịp với văn nghệ hiện đại. Thế nên, khác với thế hệ văn nghệ sĩ cùng thời trong khu vực, văn nghệ sĩ tiền chiến ở Việt Nam không cần phải đi du học vẫn có thể thành tài.

Hình ảnh lớp học theo phương pháp hiện đại đầu thế kỷ XX.

Với sự phát triển của đô thị, khoa học kỹ thuật, sản phẩm văn nghệ đã trở thành một loại hàng hóa. Có thể nói, trước Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã manh nha xuất hiện các ngành công nghiệp văn hóa, dù quy mô nhỏ bé. Chính nhu cầu xã hội cũng đã kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách chuyên nghiệp.

Phóng viên: Việc thành danh sớm, đạt được những thành tựu nghệ thuật, thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến đi theo cách mạng đã đóng góp thế nào trong việc xây dựng nền văn nghệ cách mạng mới, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Nhận thấy đa phần văn nghệ sĩ Việt Nam sẵn có tinh thần yêu nước nồng nàn, căm thù ngoại xâm và phong kiến phản động, mong muốn đem tài năng phụng sự dân tộc và nhân dân, năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ban hành Đề cương Văn hóa Việt Nam và chủ trương thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc.

Làng Chài (nay là xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943) do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút.

Đề cương đã vạch ra đường lối đúng đắn, đó là: Muốn giải phóng năng lực sáng tạo, mở đường để cho văn hóa tiến bộ thì trước hết phải giành lại độc lập cho dân tộc. Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là tham gia cách mạng dân tộc dân chủ, đặc biệt là tham gia cách mạng văn hóa (một bộ phận cấu thành của cách mạng dân tộc dân chủ cùng với cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế), xây dựng nền văn hóa mới. Đảng đã động viên văn nghệ sĩ đoàn kết với toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; gắn trí thức với công nhân, nông dân.

Đề cương Văn hóa Việt Nam có giá trị thời sự, tính thực tiễn cao, thể hiện sức mạnh của văn hóa thu phục nhân tâm, vận động quần chúng, trong tình huống Đảng ta dự đoán thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền sẽ sớm xuất hiện. Chỉ trong vòng hai năm, Đề cương đã góp phần quan trọng vào việc quy tụ các lực lượng văn hóa có tinh thần dân tộc mà hạt nhân là Hội Văn hóa Cứu quốc và hướng dẫn lực lượng ấy trong cuộc đấu tranh để cùng toàn dân đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi những văn nghệ sĩ uy tín đi theo cách mạng, quần chúng nhân dân vì thế tin tưởng ủng hộ Việt Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Ảnh trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự khai mạc "Triển lãm Văn hóa", do Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức tại trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến Đức (Hà Nội), ngày 7-10-1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam (ngày 15-11-1945). Ảnh do Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp
Đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tháng 11-1946.

Với đường lối đúng đắn, sát với thực tế của Đề cương Văn hóa Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ thực sự lột xác để “nhận đường”, trở thành bộ phận tiên phong cách mạng trong xã hội. Văn hóa cũng vì thế thực sự phát huy vị thế, vai trò cải tạo xã hội buổi đầu nền dân chủ cộng hòa. Đây là điều mà nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) đã dự báo trong bài thơ “Là thi sĩ” viết tháng 6-1942: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: Bom đạn phá cường quyền”.

Chân dung các văn nghệ sĩ tiền chiến đi theo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Tổng Bí thư Trường Chinh trong các tác phẩm xuất bản thời kỳ chống Pháp như: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” đã làm sáng rõ hơn đường lối văn hóa của Đảng mới chỉ được nêu sơ lược trong Đề cương Văn hóa Việt Nam: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui; là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới”.

Trong hoàn cảnh hơn 30 năm trời chiến tranh khốc liệt và chế độ kế hoạch hóa quan liêu bao cấp song văn hóa nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu to lớn đáng tự hào. Trong đó, văn nghệ trở thành vũ khí tư tưởng, cổ vũ tinh thần quân và dân ta trong những thời điểm gian nguy đối đầu với thế lực ngoại xâm hùng mạnh trên thế giới. Cho nên, khi đánh giá tầm ảnh hưởng văn nghệ đối với sự nghiệp cách mạng, ý kiến cho rằng văn nghệ cách mạng có sức mạnh to lớn tựa như một đội quân trên mặt trận không tiếng súng là hết sức chính xác.

Phóng viên: Theo những gì ông cắt nghĩa, thế hệ vàng văn nghệ sĩ tiền chiến là kết tinh của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, có những yếu tố sẽ không bao giờ trở lại được, phải chăng đồng nghĩa một thế hệ vàng mới sẽ khó lòng xuất hiện?

PGS, Nguyễn Hữu Sơn: Bối cảnh mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau dẫn đến những kết quả khác nhau. Văn nghệ sĩ thời 4.0, thời toàn cầu hóa tất nhiên phải sáng tạo mới mẻ, phù hợp với thị hiếu đương đại. Tự thân họ sẽ có nhiều điểm khác với văn nghệ sĩ tiền chiến.

Mỗi cá nhân văn nghệ sĩ cụ thể chưa chắc đã bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử. Sẽ có những tài năng cá biệt vượt thoát khỏi mặt bằng chung để chiếm lĩnh đỉnh cao.

Phóng viên: Sau gần một thế kỷ nhìn lại, chúng ta đúc rút kinh nghiệm, bài học nào từ thế hệ vàng văn nghệ sĩ tiền chiến để xây dựng văn nghệ ở kỷ nguyên vươn mình, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, gắn với xây dựng thị trường văn hóa. Trong đó văn nghệ có một số bộ môn là “xương sống” của công nghiệp văn hóa.

Những bài học về sự dấn thân, yêu nghề, tích lũy tri thức, học tập kinh nghiệm quốc tế, phát huy giá trị truyền thống… đã được đút kết. Chắc chắn thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay sẽ tự chiêm nghiệm để tự tìm ra hướng đi phù hợp trong kỷ nguyên vươn mình. Tôi muốn bổ sung là chúng ta cần học tập tính chuyên nghiệp để vận hành văn nghệ. Tôi lấy ví dụ về vấn đề bản quyền. Khi mà chúng ta chưa bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, công nghiệp văn hóa sẽ khó phát triển bởi văn nghệ sĩ khó sống bằng nghề để yên tâm sáng tạo, khối tư nhân không mạo hiểm đầu tư.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

  • Nội dung: Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
  • Ảnh: Tư liệu, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC