Việt Nam trong cuộc cách mạng AI: Khai mở tiềm năng, đương đầu thách thức - Bài 1: Cơ hội để bứt phá

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số. Việt Nam, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, kho tàng dữ liệu đa dạng, đặc thù và tinh thần đổi mới mãnh liệt, đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, đồng thời phải đương đầu với không ít thách thức về hạ tầng, chính sách và năng lực thực thi.

Chuyên đề mang đến góc nhìn toàn diện về hành trình của Việt Nam trong cuộc cách mạng AI: Từ khai thác cơ hội, giải bài toán nguồn nhân lực, đến xây dựng chiến lược dài hạn. Đây không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn là hành trình khẳng định khát vọng của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

AI không chỉ đơn thuần là một công nghệ mới nổi mà đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các quốc gia. AI đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội và nền kinh tế, từ y tế, giáo dục, giao thông đến công nghiệp sản xuất và quản lý đô thị. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đứng trước cơ hội chỉ đến một lần trong nhiều thập kỷ để bứt phá và nâng tầm vị thế quốc gia trong thời đại AI.

Những ngày qua, thông tin về việc chính phủ Việt Nam hợp tác với Nvidia, công ty công nghệ lớn nhất thế giới, để thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI đã làm dậy sóng dư luận. Người dân phấn khởi trước viễn cảnh đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên công nghệ mới, nơi AI đóng vai trò chủ đạo, giúp tối ưu hóa mọi lĩnh vực, đặc biệt là xóa bỏ sự rườm rà trong thủ tục hành chính. Đây không chỉ là một khoản đầu tư thông thường, mà còn là sự công nhận tiềm năng phát triển AI của Việt Nam từ một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Cú bắt tay này tạo ra “cú hích” lớn, mở ra cánh cửa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái AI toàn cầu và trở thành điểm đến của các dòng vốn FDI công nghệ cao.

Tập đoàn NVIDIA và Chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác thể hiện tầm nhìn chiến lược.

Vị trí chiến lược của Việt Nam tại trung tâm Đông Nam Á khiến nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ quốc tế. Việc Nvidia lựa chọn Việt Nam để đặt trung tâm R&D về AI và trung tâm dữ liệu AI là minh chứng rõ ràng cho điều này. Không chỉ Nvidia, nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Qualcomm đã đầu tư vào trung tâm R&D tại Hà Nội từ năm 2020, tập trung vào nghiên cứu 5G và IoT. Samsung cũng có trung tâm R&D lớn tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD. Những dự án này khẳng định Việt Nam đang dần trở thành trung tâm công nghệ cao mới của khu vực.

Việt Nam cũng đang sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào với nền tảng toán học và khoa học tốt.

Việt Nam cũng đang sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào với nền tảng toán học và khoa học tốt. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật, tạo ra nguồn nhân lực tiềm năng cho ngành AI. Những thành tích nổi bật trong các kỳ thi toán quốc tế cũng là minh chứng cho năng lực của người Việt trong các lĩnh vực STEM (giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm phát triển AI thông qua nhiều chính sách và chiến lược cụ thể. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI trong khu vực. Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp công nghệ và tập đoàn quốc tế như Nvidia khi đầu tư vào Việt Nam, theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC).

Một điểm sáng nữa là, trong những năm gần đây, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Các trung tâm như Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tập đoàn công nghệ lớn. NIC không chỉ cung cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu AI mà còn tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như VinAI, FPT AI và Viettel AI đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI. VinAI đã đạt được nhiều thành tựu quốc tế, với các công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị AI hàng đầu thế giới như CVPR, NeurIPS và ICML. Những công ty này góp phần tạo nên hệ sinh thái AI sôi động và kết nối chặt chẽ với các đối tác quốc tế.

Chỉ số sẵn sàng AI của các quốc gia ASEAN năm 2023. Nguồn: Oxford Insights (Vương quốc Anh).

Với dân số gần 100 triệu người và tỷ lệ sử dụng internet cao (trên 70% dân số), Việt Nam hiện là thị trường đầy tiềm năng cho các ứng dụng AI. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, y tế, giáo dục và logistics đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng AI để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp lớn như Tiki, Lazada và VNPT đã ứng dụng AI trong quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ khách hàng. Ngành y tế cũng đang phát triển các ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh và hỗ trợ điều trị. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi để AI phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Những lợi thế về địa chính trị, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã giúp Việt Nam xây dựng được vị thế đáng kể trong cuộc đua phát triển AI. Nếu tận dụng tốt các cơ hội này, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghệ AI hàng đầu khu vực và thế giới.

Bên cạnh những cơ hội lớn, ngành AI của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về hạ tầng, nhân lực và chính sách nhằm tạo môi trường phát triển bền vững cho AI.

Cụ thể, hiện hạ tầng công nghệ nước ta vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực.

Ảnh trên: Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ, ngành tại gian hàng Qualcomm tại Triển lãm các giải pháp công nghệ của Việt Nam (4-10-2024). Ảnh giữa: Gian hàng Qualcomm tại Triển lãm các giải pháp công nghệ của Việt Nam (4-10-2024). Ảnh dưới: Minh họa chip Snapdragon.

Chính phủ cần đẩy mạnh xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn và tiên tiến, hỗ trợ hoạt động R&D và ứng dụng AI. Thỏa thuận thành lập Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI với Nvidia là bước khởi đầu quan trọng. Ngoài Nvidia, Việt Nam cũng đang thu hút Qualcomm, Google và Samsung,... đầu tư vào hạ tầng công nghệ cao. Những dự án này không chỉ nâng cấp cơ sở hạ tầng mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng AI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tích cực kết nối với các tập đoàn này để tạo làn sóng đầu tư mới, thúc đẩy AI và công nghiệp bán dẫn.

Ảnh trên: Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam (ngày 23-12-2022). Ảnh dưới: Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á của Samsung được khánh thành tại Hà Nội.

Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc khắc phục những điểm yếu này. Chiến lược quốc gia về phát triển AI đến năm 2030 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiệu quả, cần có chính sách cụ thể như hỗ trợ tài chính cho R&D, ưu đãi cho doanh nghiệp AI và môi trường pháp lý minh bạch. Học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng khung pháp lý vững chắc trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.

Bên cạnh đó, bảo mật và sở hữu trí tuệ cũng là rào cản lớn. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam chỉ ra rằng: “Các tập đoàn công nghệ lo ngại về bảo vệ công nghệ và thuật toán độc quyền khi đầu tư vào quốc gia có hệ thống pháp lý sở hữu trí tuệ chưa thực sự mạnh”. Những vụ rò rỉ thông tin ở các ngành khác đã chỉ ra sự cần thiết phải cải thiện khung pháp lý và bảo mật để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Về nhân lực, dù Việt Nam có lao động trẻ và tiềm năng lớn, nhưng khả năng thực hành và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế. Các tập đoàn như Nvidia và Samsung phải đầu tư đáng kể vào việc đào tạo lại nhân sự. Cùng với đó hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng cần được đồng bộ hóa.

Việt Nam có lao động trẻ và tiềm năng lớn.

Hiện sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp vẫn rời rạc. Nhiều trường chưa có chương trình đào tạo AI chuyên sâu và cập nhật kịp xu hướng công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp lại cần nhân lực thực chiến, tạo ra khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành. Các trung tâm như NIC cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận các dự án thực tế. Chương trình hợp tác giữa Nvidia và các trường đại học Việt Nam là mô hình cần nhân rộng.

Đồng thời, chính sách thu hút và giữ chân nhân tài là yếu tố quan trọng. Việt Nam cần áp dụng chính sách đãi ngộ, hỗ trợ nghiên cứu để các chuyên gia AI trong và ngoài nước cống hiến lâu dài. Theo Đỗ Thị Thúy Hương, chúng ta cần cơ chế thu hút chuyên gia AI gốc Việt ở nước ngoài và tạo điều kiện để họ cống hiến.

Cuối cùng, khai thác tài nguyên một cách hợp lý là thách thức quan trọng. Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới - nguyên liệu quan trọng cho sản xuất chip.

Giải quyết những thách thức này sẽ tạo nền tảng vững chắc để AI phát triển, thu hút thêm các tập đoàn lớn như Nvidia và khẳng định vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị AI toàn cầu.

  • Nội dung: Nhóm phóng viên Báo QĐND
  • Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, chinhphu.vn, ...
  • Kỹ thuật, đồ họa: Nguyễn Cúc