Hồi trống lệnh: Chống lãng phí Bài 2: “Tuyên chiến” với lãng phí

Bài 2: “Tuyên chiến” với lãng phí

Đảng ta gọi thẳng tên của nạn tham nhũng, nạn lãng phí là “giặc nội xâm”. Đã mười mươi là giặc thì không thể không chiến đấu để quét sạch nó đi. Đã là giặc sớm muộn nó sẽ tàn phá đất nước ta, sẽ gây ra những tai họa khôn lường, thậm chí nếu kẻ thù ấy thắng thì chế độ này sẽ mất; bao nhiêu mồ hôi, xương máu của lớp lớp đồng bào, đồng chí đổ xuống cho nền độc lập tự do, cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ uổng phí. Để không bị lãng phí mồ hôi xương máu của đồng bào và chiến sĩ, không còn con đường nào khác, Đảng ta, nhân dân ta phải “tuyên chiến” với “giặc nội xâm” mang tên tham nhũng và lãng phí.

Ảnh minh họa. Quang Cường

Tham nhũng, “giặc nội xâm” rất nguy hiểm ấy chúng ta đã nhẵn mặt và trong cuộc chiến đấu đầy phức tạp, khó khăn với nó, Đảng và nhân dân ta đã giành được những kết quá bước đầu rất đáng ghi nhận. Lò chống tham nhũng đã, đang và sẽ còn rừng rực cháy để trừng trị đích đáng bọn sâu mọt phá nước hại dân. Cuộc chiến này không bao che dung túng một ai dù kẻ tham nhũng ngự ở ghế nào, có móng vuốt vây cánh cỡ nào. Thời chống Pháp, sau đêm trắng, Bác Hồ đã quyết định bác đơn xin ân xá của đại tá Trần Dụ Châu vì tội tham ô bớt xén tiêu chuẩn của bộ đội. Câu chuyện ấy còn lay động lòng người đến hôm nay. Bây giờ thì “Trần Dụ Châu” không còn là số ít nữa, nó có khắp mọi nơi trên nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh, chức vụ với các dạng thức, mức độ khác nhau.

Vụ án Trần Dụ Châu đăng trên báo Cứu Quốc ngày 27-9-1950.

Lãng phí như một căn bệnh, có thể nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng. Lãng phí không tự trên trời rơi xuống mà nó là hệ quả của sự hoạch định, tính toán, tổ chức thực hiện và quản lý vô trách nhiệm và kém cỏi về chuyên môn do những cá nhân cụ thể gây ra. Đề bạt, sử dụng không đúng cán bộ; người hiền tài nhân tâm tốt bị đẩy ra rìa, kẻ tâm tối tầm thấp thì được nâng đỡ, cất nhắc đấy cũng là lãng phí. Một sự lãng phí cực kỳ nguy hại khi những dạng người kém cỏi cong queo ấy được đẩy lên, được đặt vào các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Sai lầm trong công tác tổ chức cán bộ là “siêu lãng phí” vì tác động xấu của nó khôn lường. Nó không chỉ gây ra sự thất thoát, mất mát về tiền của, đất đai, tài sản công mà còn tạo nên một xã hội đầy hoài nghi; kẻ xấu dưới các vỏ bọc cấu kết với nhau trở thành các “nhóm lợi ích” tham lam tàn phá đất nước. Truy xét tới tận cùng như vậy để nhận thức đúng về những màu sắc tham nhũng khác nhau trong đó có lãng phí được coi là khoảng tối tăm nhất nhì không thể nương tha trong cuộc chiến chống tiêu cực hiện nay.

PGS, TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đấu tranh chống lãng phí từng bước khắc phục và loại bỏ nó ra khỏi bộ máy của Đảng, cơ quan nhà nước và xã hội là đòi hỏi tất yếu khách quan.

Đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham ô-kẻ thù không mang gươm, mang súng, nằm ngay trong từng cơ quan, từng người là hết sức khó khăn, phúc tạp. Muốn giành được thắng lợi thì phải có tư tưởng chỉ đạo hành động đúng đắn, quyết tâm cao và phải có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, quy trình tiến hành hợp lý, chặt chẽ.

Giải pháp thứ nhất: Làm tốt công tác tư tưởng .

Một là, trong nhận thức tư tưởng của mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng có thông suốt thì mới có thể tiến hành đấu tranh chống lãng phí thắng lợi.

Hai là, tăng cường việc nghiên cứu lý luận và thật thà kiểm thảo theo các quy định của Đảng cũng như thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.

Trong thực hiện bước này, cần vừa nghiên cứu, vừa thật thà tự phê bình và phê bình. Nên nhằm vào mấy điểm chính và thiết thực như có quan liêu, xa cách quần chúng không? Có tham ô không? Có ăn bớt của công cho đơn vị riêng của mình không? Có lười biếng, có kém trách nhiệm không?... Trong khi tự phê bình và phê bình phải thật thà, trung thực, đấu tranh có lý, có tình.

Ba là, tổ chức kiểm thảo chung trong toàn cơ quan, đơn vị để giải quyết các vấn đề, giải thích các thắc mắc, sửa chữa những khuyết điểm, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt; tăng cường giáo dục.

Giải pháp thứ hai: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật .

Đây là một biện pháp rất quan trọng để đấu tranh chống bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu đạt kết quả tốt. Bác Hồ chỉ rõ: "Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và do kiểm tra. Nếu ba điều ấy làm sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích".

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt những cán bộ chủ chốt, những người thường xuyên tiếp xúc của dân, nắm giữ nhiều tiền của, vật tư... của Nhà nước. Kiểm tra, giám sát phải mang tính chủ động, thường xuyên nhằm ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, quan liêu, sách nhiễu dân... Khi phát hiện có hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí phải kịp thời và kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Giải pháp thứ ba: Thường xuyên quan tâm, xây dựng, giáo dục, rèn luyện chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên

Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, đảng viên, với người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức làm nền, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên của một Đảng Cộng sản cầm quyền nắm gữi hầu hết các cương vị chủ chốt, các lĩnh vực quan trọng trong bộ máy nhà nước, các tổ chức kinh tế -xã hội... Nếu từng người biết tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao khả năng "miễn dịch" trước mọi cám dỗ là đã góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Song, như vậy chưa đủ, người cán bộ, đảng viên còn phải đi tiên phong, biết lôi cuốn, tổ chức các phopng trào quần chúng, lời nói đi đôi với việc làm. Có như vậy, mới tạo được niềm tin tưởng bền vững của Nhân dân đối với Đảng.

Lãng phí vật chất là cái dễ thấy hơn và nó đang diễn ra như chuyện thường ngày ở đất nước ta. Ở đâu cũng có thể nhìn thấy được. Từ mỗi con người đến từng gia đình và toàn xã hội rộng lớn đều có biểu hiện của lãng phí. Hình như người ta chưa nhận ra được mấy cái tác hại của lãng phí nên dễ dàng vung tay quá trán hay lặng lẽ sở hữu cái tư duy vô liêm sĩ “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. Lãng phí do đạo đức phẩm chất bị thoái hóa và do ngu dốt đều gây tác hại như nhau. Đấy cũng chính là hệ quả của công tác dùng người như ta đã đề cập ở trên.

PGS, TS Lê Văn Cường, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong qui mô xã hội, ta thật sự xót xa khi thấy có những công trình hàng nghìn tỉ được xây dựng nhưng không sử dụng hoặc sử dụng thiếu hiệu quả như bệnh viện, nhà máy, cơ sở giáo dục, nhà ở, chợ, công trình văn hóa... Có bảo tàng xây dựng tốn rất nhiều tiền nhưng lại không thu hút được công chúng, mỗi năm chỉ có mấy trăm người bước vào. Có bệnh viện đầu tư hàng nghìn tỉ nhưng lại để dở dang thành nơi bỏ hoang cho trâu bò vào trú ở. Có tuyến đường ngốn rất nhiêu tiền nhưng chục năm rồi vẫn còn dở dang. Hay, cái chuyện cải tiến, thay đổi, thi cử, sách giáo khoa, bệnh hình thức... trong ngành giáo dục được thiên hạ xôn xao bàn tán quá nhiều rồi đã trở thành chuyện khổ lắm, biết rồi, nói mãi có lẽ cũng nên điểm tên và cần ngó ngàng tới trong cuộc chiến chống lãng phí này. Chuyện be bé hơn một chút là tính ưa chuộng hình thức màu mè trong hội nghị, đại hội, trong cổ động tuyên truyền; các cuộc hội thảo vô bổ hoặc chưa cần thiết lắm được tổ chức khá nhiều trong khi “nhà còn bao việc” cần làm hơn. Tư duy có việc, có công trình sẽ có màu mỡ để chấm mút sẽ đẻ ra những tệ nạn xấu xí mà dễ thấy nhất chính là tham nhũng và lãng phí.

Tình trạng hai bệnh viện lớn Bạch Mai và Việt Đức 2 bị bỏ hoang lãng phí tại Hà Nam.

Từ năm 2020, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã cho biết con số thống kê về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỉ đồng. Trong 6 năm, từ 2016 - 2021 phát hiện có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ với số tiền 883,2 tỉ đồng; có 8.580 dự án thực hiện chậm tiến độ; các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án...

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: - Để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, chính sách bằng cách rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ và khả thi trong quản lý tài sản công và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, cần ban hành các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn hành vi sử dụng sai mục đích, gây thất thoát và lãng phí.

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công là yêu cầu thiết yếu. Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa để quản lý toàn diện và đồng bộ, kết hợp kiểm kê, đánh giá định kỳ giá trị tài sản công để có phương án sử dụng hiệu quả nhất. Đi đôi với đó, phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và lãng phí bằng cách kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng quyền hạn, đồng thời tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, Quốc hội, HĐND và sự tham gia của người dân, báo chí.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định, với trọng tâm là đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực và đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo trong khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm cũng cần được chú trọng thông qua tuyên truyền, giáo dục về ý thức tiết kiệm và phát động các phong trào thi đua trong nhân dân và hệ thống công quyền.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý tài sản, tài nguyên là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu lãng phí, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu phát triển để khai thác bền vững và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Cuối cùng, trách nhiệm giải trình cần được tăng cường thông qua quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc quản lý tài sản và nguồn lực quốc gia, kết hợp công khai, minh bạch các báo cáo để người dân giám sát.

Các giải pháp trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thật là kinh khủng. Ngày 20 tháng 5 năm 2024, trong phiên họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV các đại biểu đã nghe báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 trong đó có đoạn đánh giá kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu... Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308 ha/ 28.155 ha chưa được xử lý. Việc xử lý một số dự án không hiệu quả, gây lãng phí; mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong các lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/ 19 dự án chậm triển khai để đất đai hoang hóa gây lãng phí không ít; ngoài ra còn có 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”. Khi người đứng đầu Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra thế cũng có nghĩa là cuộc chiến chống lãng phí đang ở bước ngoặt lịch sử, không còn sự nhân nhượng nào nữa, những đảng viên và công dân chân chính hãy vào trận với khí thế của cha anh từng chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập tự do, hòa bình thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên non sông đất nước Việt Nam.

Lãng phí với những dạng thức nổi bật của nó buộc chúng ta phải nhìn nhận chính xác để có phương thức xử lý hiệu quả. Đó là phải nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Từ đó vừa dẫn dắt, hỗ trợ cho những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vừa chống việc gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của đất nước. Đồng thời với nhiệm vụ đó phải chống tình trạng lãng phí về thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân bằng sự thông thoáng, nhanh gọn, chính xác về thủ tục hành chính cùng với đảm bảo sự thuận tiện, thông suốt về dịch vụ công trực tuyến. Không để lãng phí cơ hội phát triển của các vùng miền, các địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức phẩm chất tốt, thực sự yêu nước thương dân và đương nhiên có năng lực thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của Nhân dân như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn. Sẽ là quá chậm khi ta không đẩy mạnh việc chống lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả...song hành với việc thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội. Chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân đang diễn ra dưới nhiều hình thức...

Hiệu lệnh cuộc chiến chống lãng phí đã được phát ra từ Tổng Bí thư Tô Lâm. Cùng với đất nước hào hứng bước vào kỷ nguyên Tổ quốc vươn mình hướng tới tương lai giàu mạnh và tươi đẹp.

Hiệu lệnh cuộc chiến chống lãng phí đã được phát ra từ Tổng Bí thư Đảng Tô Lâm. Cùng với đất nước hào hứng bước vào kỷ nguyên Tổ quốc vươn mình hướng tới tương lai giàu mạnh và tươi đẹp. Sức mạnh của Nhân dân của dân tộc được bắt nguồn từ niềm tin. Niềm tin tạo ra động lực mạnh mẽ. Niềm tin tạo ra ý chí kiên cường. Niềm tin tạo ra đoàn kết gắn bó. Niềm tin tạo ra năng lượng mới và sáng tạo mới. Muốn có niềm tin của Nhân dân, Đảng phải trong sạch, chính quyền phải vững mạnh. Và, Đảng chỉ trong sạch, chính quyền chỉ vững mạnh khi nạn tham nhũng, nạn lãng phí không còn cơ hội tồn tại và phát triển. Cuộc chiến chống lãng phí chất chứa muôn vàn gian khổ, khó khăn và phức tạp. Vì kẻ thù nguy hiểm ấy là đồng chí của ta, anh em của ta, bạn bè của ta, thậm chí cả người thân của ta nữa. Kể cả trong mỗi người, khi cái sáng cái tối, cái đẹp cái xấu cùng song hành thì cuộc chiến cam go ấy lại không ở đâu xa nữa. Chính ta, trước hết mỗi cán bộ đảng viên, mỗi đoàn viên, nhân viên phải tự mình gạn đục khơi trong. Cuộc chiến này chẳng của riêng ai, trách nhiệm và vinh dự thuộc về mọi người nhưng trước hết mỗi cán bộ đảng viên cần được thấm nhuần sâu sắc và hành động quyết liệt. Hãy xem đó là chuyện thường ngày, là sự chuyển động của cuộc sống hướng tới ngày mai. Ngày mai ấy, chắc chắn sẽ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như khát vọng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
  • Nội dung: Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (HẢI LÝ, VĂN TUẤN, NGUYỄN HỮU QUÝ, NGUYỄN THANH TÚ)
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: ĐẶNG CƯỜNG