Tình báo quốc phòng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - Bài 2: Chuẩn bị “Từ sớm, từ xa”

Hơn 50 năm đã đi qua kể từ 12 ngày đêm oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Chiến công của các lực lượng phòng không và không quân của quân và dân ta ai cũng đã rõ. Thế nhưng, như lời Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, những chiến công thầm lặng của Tình báo quốc phòng thì đến nay không phải ai cũng biết.

Trước và trong chiến dịch này, Tình báo quốc phòng đã lập chiến công đặc biệt lớn với sự góp mặt của cả tình báo chiến lược, trinh sát kỹ thuật và lực lượng điệp báo hành động. Trong đó, tình báo chiến lược nắm địch ngay tại Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, lực lượng điệp báo hành động tập kích địch ở bên ngoài lãnh thổ, và trinh sát kỹ thuật tập trung nghiên cứu đường bay của B-52 để trên có những nhận định chính xác.

Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, giới thiệu những chiến công của Tình báo quốc phòng trong chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ chọn đảo Guam (Mỹ) và Utapao (Thái Lan) làm căn cứ xuất phát của máy bay ném bom chiến lược B-52. Đầu năm 1967, sân bay Utapao được khẩn trương nâng cấp. Theo tính toán của Mỹ, căn cứ này gần Việt Nam, rất thuận tiện cho các tốp máy bay B-52 hoạt động mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Ngoài ra, do cự ly giữa căn cứ với khu vực hoạt động của “pháo đài bay” B-52 gần, nên cường độ xuất kích sẽ cao hơn, khả năng tiếp vận sẽ nhanh và nhiều hơn.

Sân bay Utapao (Thái Lan), nơi xuất phát những chuyến B-52 đến Việt Nam.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Bộ Chính trị chỉ đạo Bộ Quốc phòng dùng lực lượng điệp báo ở ngoài nước bất ngờ đánh vào sào huyệt, nơi xuất phát của máy bay B-52 tại các căn cứ không quân của Mỹ ở Udorn và Utapao, làm sụp đổ ý đồ sử dụng không quân đánh phá miền Bắc và làm hoang mang tinh thần của giặc lái.

Cuối tháng 2-1968, 2 tổ điệp báo chiến lược do Tình báo quốc phòng thành lập lên đường sang Thái Lan, thực hiện kế hoạch tập kích sân bay Udorn và Utapao. Được sự giúp đỡ của kiều bào ta tại Thái Lan, các tổ đã tiếp cận sân bay, lập kế hoạch tập kích. Tháng 7-1968, tổ tập kích tấn công sân bay Udorn, phá hủy 1 máy bay vận tải C-41, 2 máy bay F-4, 1 trực thăng, phá hủy đường băng, tiêu diệt và làm bị thương 42 tên lính. Tháng 8-1968, lực lượng điệp báo của ta tiếp tục tập kích sân bay Utapao, phá hủy 2 máy bay B-52, làm hỏng nặng 2 chiếc khác và đài chỉ huy bay khiến chúng phải mất 1 tuần để khắc phục.

Ở trong nước, được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, ta đã tiếp thu và sử dụng thành thạo các trang bị mới. Máy P347 (JupiterB - thu nhiều đường, dồn thời gian), máy định hướng P359 được đưa xuống các trạm Trinh sát kỹ thuật.

Ảnh 1: Tổ công tác làm nhiệm vụ đánh sân bay Udon, Utapao - căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Lan, năm 1968.

Ảnh 2: Máy bay B-52 của Mỹ bị phá hủy trong sân bay Utapao.

Ảnh 3: Báo Quân đội nhân dân số 2591 ra ngày 10-8-1968 đưa tin về kết quả trận đánh sân bay Utapao - căn cứ không quân của Mỹ tại Thái Lan.

Đồng chí Phạm Xuân Ẩn (điệp viên mang bí số X6), người đã đưa ra dự báo: “Mỹ sẽ quyết định ném bom miền Bắc nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng”.

Đầu năm 1972, qua các tin tức thu được, đồng chí Phạm Xuân Ẩn (điệp viên mang bí số X6) đã phân tích và dự báo: “Mỹ sẽ quyết định ném bom miền Bắc nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng”. Ngoài nguồn tin tình báo chiến lược, công tác hỏi cung tù binh cũng góp phần quan trọng vào việc nắm địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Tháng 6-1972, thông qua hỏi cung phi công Mỹ, bộ phận hỏi cung của Cục Tình báo đã nắm được tin: Mỹ tổ chức hiệp đồng giữa máy bay B-52 và các loại máy bay khác để chuẩn bị đánh Hà Nội và các tin về thông tin liên lạc giữa B-52 với lực lượng yểm trợ, khu vực tiếp dầu trên không, trên đường bay từ Thái Lan và Guam vào Việt Nam. Từ những tin tức đó, ta đã nắm chắc quy mô, lực lượng không quân chiến lược B-52, kỹ-chiến thuật, kế hoạch chuẩn bị chiến trường cho một đợt tập kích đường không, đội hình tập kích, đường bay từ các căn cứ ở Guam và Utapao vào mục tiêu đánh phá.

Tháng 7-1972, Trinh sát Kỹ thuật đã phát hiện ra bộ sóng quản lý đường bay, trong đó có đường bay của B-52 thông qua việc liên lạc của phi công B-52 với đài thông tin chỉ huy đề nghị xin trở về Anderson vì động cơ số 5 của máy bay bị hỏng. Qua đó, ta đã tìm ra được hành trình của B-52 từ lúc cất cánh đến khi thực hiện đánh phá xong về căn cứ. Ta cũng nắm chắc kế hoạch di chuyển của quan chức cấp cao Tập đoàn không quân số 7, số 8 và số 13 của Mỹ từ các căn cứ ở Thái Lan, Philippines và miền Nam Việt Nam, hoạt động di chuyển của máy bay cứu nạn từ Đà Nẵng sang Udorn, Nakhonphanom; sự điều chỉnh lực lượng không quân; điều kiện, yêu cầu bảo đảm cho máy bay B-52... Từ những tin tức đó, Tình báo đã báo cáo lên trên nội dung: “Địch chuẩn bị có một đợt hoạt động lớn của không quân Mỹ ra ngoài vĩ tuyến 20, chú ý Hà Nội, Hải Phòng”.

Lực lượng trinh sát thu tin tức, đường bay của B-52.

Ảnh trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác nắm địch tại Trung đoàn 75 Trinh sát kỹ thuật vào đêm 20-12-1972.

Những ảnh còn lại: Hoạt động thu tin máy bay B-52 của Mỹ tại Trung đoàn 75.

Từ giữa năm 1972, việc cung cấp tin tức về Không quân Mỹ được tiêu chuẩn hóa với độ tin cậy ngày càng cao. Do nắm được hoạt động của các loại máy bay chỉ huy, cảnh báo tầm xa EC-121, EC-130 đánh phá miền Bắc và Nam Vĩ tuyến 17, máy bay chỉ huy cấp cứu phi công HC-130, máy bay trinh sát thời tiết RF-4C, lực lượng Trinh sát kỹ thuật đã nắm và thông báo những trận đánh quan trọng của Không quân Mỹ trước khi diễn ra nhiều giờ. Lực lượng Trinh sát kỹ thuật cũng nắm chắc các hàng không mẫu hạm, các sân bay nổi, sở chỉ huy các máy bay xuất kích đánh phá miền Bắc thông qua việc nắm các khu trục hạm dẫn đường.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh giới thiệu tên lửa của quân ta bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ.

Là người đảm nhiệm trực ban tác chiến phòng không tại Tổng hành dinh ngay ngày đầu tiên diễn ra trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu cho biết tin tức của quân báo Trinh sát kỹ thuật có tác dụng rất lớn, giúp ta chủ động, cả nước không bị bất ngờ. Thực tế là dự kiến về B-52 đánh Hà Nội và chúng ta sẽ đánh B-52 đã được khẳng định từ ngày 6-7-1972. Những tin tức tình báo về B-52 đã được nghiên cứu ở trong Hội nghị chuyên đề đánh B-52 ở Hà Nội giữa Bộ Tổng Tham mưu với Tư lệnh Phòng không - Không quân mà ông cũng được tham dự. Ông cho biết: “Những tin tức về B-52 của Cục Tình báo được báo cáo đầu tiên”. Dựa trên báo cáo 30 trang của Cục Tình báo, hội nghị đi đến kết luận là nhất định B-52 đánh Hà Nội và ta phải chuẩn bị, kể cả từ trên Bộ Tổng Tham mưu cho đến dưới Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng miền Bắc.

“Thế rồi đến khi xảy ra, tôi nhớ như in các tin tức tình báo giúp cho Bộ Tổng Tham mưu đưa toàn quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao trước 2 ngày. Khi trực tiếp bước vào chiến dịch, tin tức từ Trinh sát kỹ thuật đưa sớm ít nhất 5 giờ trước khi B-52 đến”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu

Ngày 17-12-1972, Trinh sát kỹ thuật báo cáo: Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điện cho Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đình chỉ đi phép của tất cả các phi công, tất cả các phi công ở lại căn cứ chờ lệnh. Ngày 18-12, Trinh sát kỹ thuật tiếp tục báo cáo: Trong hai ngày 16 và 17-12, Mỹ không chủ trương sử dụng lực lượng không quân, chỉ có vài tốp máy bay vào đánh phá. Trên cơ sở đó ta nhận định: Đây là động thái báo hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Từ nguồn tin đó, đồng chí Tổng tư lệnh chỉ thị cho toàn quân sẵn sàng chiến đấu.

Ban Mã thám Trung đoàn 75 góp phần phục vụ tin tức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972.

15 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, Trinh sát kỹ thuật báo cáo: B-52 đã cất cánh, dự kiến sẽ đánh vào miền Bắc; các máy bay chỉ huy và chỉ huy cấp cứu làm nhiệm vụ trực chiến vào chiều và tối lần lượt đến vị trí quy định. Máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 từ căn cứ Clark đã cất cánh. Những ngày tiếp theo, Trinh sát kỹ thuật đã nắm chắc và báo cáo kịp thời máy bay B-52 cất cánh từ Guam, Utapao tới điểm tiếp nhiên liệu, bay qua các điểm chuẩn đã định sẵn vào khu vực điều chỉnh đội hình thực hiện lộ trình bay đánh phá miền Bắc...

“Nhận được tin B-52 cất cánh từ Guam ra đánh miền Bắc, người tôi sởn gai ốc, lo lắm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh hồi tưởng. Theo ông, dù lúc ấy lo lắm như ông tự nói với bản thân rằng cần phải bình tĩnh. Việc đầu tiên của ông là phải nói với nhân viên trực trên bản tiêu đồ vẽ đường bay theo radar phòng không phải đặc biệt chú ý, có tin tức mới thì phải ghi lại ngay. “Đấy là tin Cục II. Còn tin radar phòng không sau đó mới đến”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết. Như vậy, tin tức về B-52 bắt đầu xuất kích đánh phá Hà Nội trong ngày đầu tiên của cuộc chiến 12 ngày đêm là tin từ Tình báo quốc phòng đưa sang. Được sự phân công của đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến, đồng chí Ninh đã tiến hành đo, vẽ tin tức về B-52 và khớp 2 tin từ lực lượng trinh sát kỹ thuật của Tình báo quốc phòng và thông tin radar để biết thời điểm B-52 đến Hà Nội và báo động phòng không cho toàn miền Bắc.

Các lực lượng quyết tâm, chuẩn bị phương án tiêu diệt "pháo đài bay" của Mỹ.

16 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, Trinh sát kỹ thuật thu nhận được thông tin về hoạt động tiếp nhiên liệu trên không của các tốp B-52 ngang khu vực đảo Poro (Đông Nam Philippines). 17 giờ, ghi nhận được liên lạc của các tốp B-52 với Sở Chỉ huy tiền phương trên không, báo cáo đã vào đến điểm G, tức là đảo Cồn Cỏ, Trinh sát kỹ thuật kịp thời báo tin các tốp B-52 đang bay ngoặt lên phía Bắc. Tiếp sau đó, lực lượng thu nhận đầy đủ và báo cáo kịp thời hoạt động của các tốp máy bay B-52 khi chúng đến cửa sông Hồng và lần lượt xin vào mục tiêu. Đúng 19 giờ 45 phút, các đợt đánh phá của không quân Mỹ vào thành phố Hà Nội bắt đầu đúng như tin báo.

(còn nữa)

  • Nội dung: HỮU DƯƠNG - MAI HƯƠNG
  • Ảnh: TTXVN, Tư liệu, Báo QĐND
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH