Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Vân: Cả đời nâng niu nhịp phách ca trù

Chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng, sống chắt chiu từng đồng để nỗ lực vực dậy một di sản văn hóa tưởng chừng đã lụi tàn, với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Thị Bạch Vân, ca trù không còn là đam mê mà là duyên nghiệp, là cả cuộc đời.

Sinh năm 1957 tại vùng đất Thanh Chương, Nghệ An, Bạch Vân lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn chương nghệ thuật. Cha bà là một nhà thơ, còn mẹ là người hát dân ca ví giặm nổi tiếng trong vùng. 5 tuổi, khác với chúng bạn chỉ biết rong chơi, mỗi ngày, Bạch Vân thường ngồi hàng giờ đồng hồ trong nhà chỉ để đọc sách.

Lớn lên, Bạch Vân theo học thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (1973-1975). Năm 1975, bà thi đỗ và theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đến năm 1977. Từ năm 1977 đến 1981, bà tiếp tục học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Năm 1986, Bạch Vân trở thành cán bộ phụ trách mảng văn hóa quần chúng tại Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.

Một lần tình cờ nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát ca trù trên đài phát thanh, Bạch Vân bỗng nổi da gà, "run người" trước những giai điệu, lời ca ngọt ngào. “Từ khoảnh khắc ấy, tôi biết mình sinh ra là dành cho ca trù”, nữ NSƯT bồi hồi nhớ lại.

Ngay sau tối đó, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, Bạch Vân quyết tâm theo đuổi nghệ thuật này. Bà đi tìm những tài liệu cũ, sách chuyên khảo về ca trù và các nghệ nhân xưa ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương... với quyết tâm vận động các cụ trở lại với ca trù, học lại những ngón nghề thất truyền. Tuy nhiên, quan niệm cũ cho rằng ca trù là "đèn chiếu, thấp hèn, thân quan Tây" đã khiến nhiều nghệ nhân từng một thời được vinh danh, hát trong các đình thờ, trước các quan lại, nay phải thoái lui, “mai danh ẩn tích”.

“Có những ngày, tôi đến nhà các cụ, bị từ chối thẳng thừng. Tôi phải quỳ xuống, xin các thầy cho tôi cơ hội học hỏi, bởi nếu không thì ca trù sẽ lụi tàn”, bà nhớ lại.

Say mê theo đuổi ca trù, Bạch Vân chọn cuộc sống lẻ bóng để dành trọn tình yêu và tâm huyết cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Ở thời điểm đã có thể ngồi chung chiếu với các thầy của mình cũng là lúc bà nhận ra rằng, trong khi ca trù còn chưa kịp được công nhận thì các nghệ nhân tài danh đều đã ở tuổi gần đất, xa trời; lớp người kế cận lại chẳng còn mấy ai. Với khát vọng làm sống lại nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền, năm 1990, NSƯT Lê Thị Bạch Vân chính thức thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, chào đón mọi đối tượng ở những giới tính, lứa tuổi, ngành nghề khác nhau đến để thưởng thức và tìm hiểu ca trù. Đây là câu lạc bộ (CLB) ca trù đầu tiên của Việt Nam.

Bà chia sẻ: “Khi câu lạc bộ ra đời, mục tiêu của tôi không chỉ là xóa bỏ mặc cảm của những người con hát, cô đầu trong quá khứ, mà còn tạo dựng một không gian cho những người yêu ca trù được tụ họp sau bao năm tháng gián đoạn. Quan trọng nhất là để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự mai một của một di sản văn hóa, đồng thời nuôi dưỡng những tài năng trẻ để tiếp nối truyền thống”.

Những ngày đầu thành lập, mỗi tuần CLB chỉ sinh hoạt được 1 buổi, thành viên lúc đông lúc thưa và phải di chuyển rất nhiều địa điểm để sinh hoạt như: Đình Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội), đình Ngọc Hà, đền Voi Phục (Ba Đình, Hà Nội). Có những ngày, các nghệ sĩ lên sân khấu tới 9-10 người, nhưng chỉ có 1 khán giả đến xem. Vì vậy, để có kinh phí trang trải tiền lương và phương tiện đưa các nghệ nhân gạo cội từ khắp nơi về biểu diễn, nữ NSƯT phải dùng hết gia sản, vốn liếng mà mình có; thậm chí vay mượn thêm và làm đủ thứ việc như buôn bán, dạy học,...

“Chi tiêu cho bản thân thì tôi tằn tiện lắm nhưng để phục vụ cho ca trù thì bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng bỏ ra. Tổ nghề đã chọn mình rồi, nếu tôi không phục dựng và phát triển được là có tội”, nghệ sĩ Bạch Vân cho biết.

Năm 2000, sau khi tổ chức thành công Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất, nghệ thuật ca trù của Việt Nam bắt đầu nhận được sự chú ý rộng rãi từ quốc tế. Lượng du khách nước ngoài tìm đến để khám phá và thưởng thức loại hình nghệ thuật này ngày càng tăng. “Năm 2014, có vị khách người Nhật đã bật khóc sau khi xem tôi biểu diễn. Ông tâm sự với tôi rằng: đó là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và được nghe ca trù. Âm thanh từ lời ca, tiếng phách của đào nương và kép đàn khiến ông cảm nhận được sự tần tảo, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ Việt Nam”, ca nương Bạch Vân kể lại.

Trên cơ sở phát triển đó, năm 2005, các tư liệu về ca trù do NSƯT Bạch Vân nghiên cứu và trình lên Viện Âm nhạc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các nguồn tài liệu khác để lập hồ sơ di sản. Năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần phải bảo vệ khẩn cấp. Những cái tên miệt thị như: “con hát,” “cô đầu” lùi xa để nhường chỗ cho “ca trù”, “đào nương” quay trở lại.

Nhận thấy lớp trẻ đang ngày càng quan tâm và hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa quý giá này, ngoài thời gian đi diễn, trong căn gác xép vỏn vẹn 25m2 ở số nhà 78 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội; NSƯT Bạch Vân vẫn miệt mài mở các lớp truyền nghề cho thế hệ kế cận.

“Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn, phát triển và mang lại sức sống lâu bền cho nghệ thuật ca trù. Ngoài ra, các cơ quan văn hóa cũng cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi, giúp những người gắn bó tâm huyết với nghề thêm vững tin trên hành trình gìn giữ di sản dân tộc”, bà cho biết.

Năm 2004, bà bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ và cho ra mắt cuốn "Đào nương và nghệ thuật hát ca trù". Năm 2023, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài “Biến đổi của ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội”. Với những cống hiến trong việc gìn giữ và hồi sinh ca trù, năm 2012, Lê Thị Bạch Vân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

PGS, TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, chia sẻ: "TS, NSƯT Bạch Vân là tấm gương lớn trong việc cống hiến trọn đời cho nghệ thuật ca trù. Năm 1990, khi thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, chị đã chịu áp lực và định kiến xã hội đến mức từng nghĩ tới cái chết. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, trải qua đủ thăng trầm, chị vẫn kiên định hồi sinh và phát triển loại hình nghệ thuật này, thắp lên hy vọng đưa ca trù đến gần hơn với công chúng và sống mãi trong đời sống đương đại”.

Video: Ca trù – di sản văn hóa thế giới

TRẦN HẢI LY