Viết tiếp giấc mơ đảo ngọc Cát Bà - Bài 2: Chuyện chưa từng có tiền lệ
Cùng với vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là mô hình di sản liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để 2 địa phương cùng khai thác, vận hành và bảo tồn giá trị, mà không theo vết cũ “mạnh ai người làm” như những năm qua?
Di sản thiên nhiên mới có tổng cộng 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ. Vùng biển Hạ Long-Cát Bà gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại cổ sinh đến tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt chủng trên Trái đất. Diện tích rừng nguyên sinh hiện nay trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.
Việc mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà giúp tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo cùng hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật.
Trở lại hành trình hơn 10 năm để Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới mới thấy sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân... TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2012, Hải Phòng đã xây dựng hồ sơ đề cử và thực hiện công tác giải trình, vận động. Năm 2013, Quần đảo Cát Bà được Việt Nam đề cử với tư cách là một di sản độc lập ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới. Thế nhưng, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã kiến nghị Ủy ban Di sản thế giới không ghi danh đề cử này vào Danh mục Di sản thế giới, để xem xét đề xuất mở rộng vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà. Thế nhưng để vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà trở thành di sản chung của 2 địa phương, Ủy ban Di sản thế giới yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ của Quảng Ninh và Hải Phòng.
Từ thực tiễn những năm qua cho thấy, mặc dù có quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương nhưng việc quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lâu nay, khách du lịch từ Hải Phòng sang Quảng Ninh phải mua vé từ cảng Tuần Châu chứ không có hành trình sang trực tiếp. Ngược lại, khách từ Hạ Long (Quảng Ninh) sang Hải Phòng phải đi tàu tăng bo đến các du thuyền neo đậu tại Gia Luận. Thậm chí, đã có những lúc xảy ra tình trạng một số tàu du lịch từ Hải Phòng còn tổ chức tour "chui" sang vịnh Hạ Long.
Theo thông tin từ UBND TP Hải Phòng, tính đến thời điểm được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (16-9-2023), thành phố đã mất 10 năm chuẩn bị, theo đuổi cho việc đề cử quần đảo Cát Bà thành di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho rằng đồng thuận giữa Hải Phòng và Quảng Ninh là mấu chốt để UNESCO thông qua hồ sơ công nhận quần thể Hạ Long, Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Ủy ban Di sản thế giới cho rằng qua một số lần qua khảo sát chưa thấy sự phối hợp tốt giữa hai địa phương. Tuy nhiên, Hải Phòng và Quảng Ninh đưa ra những văn bản, minh chứng hai địa phương đã liên kết với nhau trong nhiều vấn đề.
Như vậy, nhờ quá trình vận động ủng hộ, những nỗ lực, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong việc lập hồ sơ; cùng sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như của hai địa phương có di sản đề cử, hồ sơ đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long gồm cả quần đảo Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới.
Lần đầu tiên Việt Nam có di sản thế giới liên vùng. Theo các chuyên gia, đây là tiền đề quan trọng giúp chúng ta hoàn thiện mô hình quản lý di sản mới trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên.
PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Thường trực Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng:
Điều này còn giúp Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn khi chúng ta đang cùng nước bạn Lào lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đối với di sản Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), mở rộng với Vườn quốc gia Hin-Nam-No thuộc tỉnh Khăm Muộn.
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trịnh Văn Tú cho biết, TP Hải Phòng cùng tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng một bộ quy tắc quản lý chung. Không có một ban quản lý chung nhưng sẽ có thống nhất về việc quản lý, bảo vệ giá trị di sản, thông tour tuyến và cả giá cả dịch vụ du lịch.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Vũ Huy Thưởng, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng nói: "Trong thời gian tới, chúng tôi cũng đã báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo tập trung một số việc sau:
Thứ nhất, chúng tôi sẽ xem xét báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố để nâng mức thu phí và lệ phí của quần đảo Cát Bà bằng với vịnh Hạ Long; như vậy mới xứng tầm và cũng có nguồn kinh phí để duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Thứ hai là chúng tôi sẽ chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường giữa hai địa phương.
Thứ ba là công tác đảm bảo an ninh trật tự cho tất cả du khách trong nước và quốc tế đến với hai địa phương; tiếp tục phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh. Tóm lại là có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa hai địa phương để làm sao du khách trong nước và quốc tế đến với Hải Phòng thật sự cảm thấy an toàn và hạnh phúc".
Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới đã lâu còn quần đảo Cát Bà lần đầu tiên được công nhận. Vì vậy, theo ông Vũ Huy Thưởng: Hạ Long và Cát Bà tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cát Bà tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng. Quần đảo Cát Bà sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha. Đến đây, du khách có thể “lên rừng-xuống biển” chỉ trong một chuyến đi. Đảo Cát Bà là đảo đá vôi lớn nhất của Việt Nam. Các đảo thuộc vịnh Hạ Long nhỏ còn ở Cát Bà có đảo lớn có đường ô tô và có thể khai thác nhiều loại dịch vụ du lịch ngay trên đảo. Đây là lợi thế khác biệt cần phải tổ chức, khai thác hiệu quả để đem lại nguồn thu lớn cho địa phương.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng: Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà nằm cạnh nhau, sở hữu giá trị tương đồng. Trên quan điểm của du khách hay các đơn vị lữ hành, giữa hai điểm đến có dịch vụ tương đồng, họ sẽ chọn nơi có chi phí rẻ hơn. Hy vọng rằng cả hai bên sẽ có thống nhất chung cho hoạt động ở Di sản Thiên nhiên thế giới tuyệt vời này.
“Trong tương lai, rất cần lãnh đạo hai địa phương là TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh bàn bạc với nhau cụ thể. Cần quy định thật rõ về trách nhiệm quản lý bảo vệ và khai thác, phân chia quyền lợi. Bên cạnh đó, hằng năm UNESCO có yêu cầu báo cáo thẩm định, đánh giá lại vấn đề quản lý. Vì thế các bên cần phải lường trước chuyện đó để có sự phối hợp với nhau trong công tác khai thác, bảo vệ cũng như bảo tồn di sản", ông Phạm Hải Quỳnh nói.
Ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, sau khi được ghi danh, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sẽ hiện thực, cụ thể hóa các nội dung quy định về quản lý đối với các di sản đã được đề ra trong kế hoạch quản lý thuộc hồ sơ đã trình UNESCO.
Theo hồ sơ trình UNESCO xét duyệt, phần di sản thuộc Hải Phòng bao gồm: Toàn bộ vịnh Lan Hạ, Vườn quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, một phần diện tích thuộc các xã: Gia Luận, Xuân Đám. Toàn bộ thị trấn Cát Bà, khu Bến Bèo, khu triển khai thực hiện dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex, xã Hiền Hào, xã Phù Long… không nằm trong chỉ giới công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà bởi đây là khu vực đã được quy hoạch phát triển kinh tế, phát triển khu dân cư, khu thương mại, du lịch và dịch vụ.
(Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng)
- Nội dung: ĐÌNH HÙNG, MINH NHÃ
- Ảnh: PHẠM HÀ, TRẦN CÔNG ĐẠT, TRỌNG HẢI, TẠ HUY TOÀN, PHAN TUẤN, TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC