Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào: Tài sản chung vô giá của hai dân tộc
LTS: Mối quan hệ hữu nghị, vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hai nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977 / 18-7-2022) giữa hai nước, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài nhìn lại mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962 cũng như ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977 là những mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng phát triển đất nước phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, gần gũi bên nhau như anh em ruột thịt. Thành ngữ Việt Nam có câu láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau”, tương tự như cách nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là “bankay huonkhieng” (bản kề, nhà cạnh).
Mối quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc vốn được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước ngày càng mở rộng, phát triển, được nâng lên về chất kể từ khi có sự ra đời và lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Những chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương đã soi đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lào Issara là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Lào lên tầm liên minh chiến đấu. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt vào ngày 16-10-1945 và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt vào ngày 30-10-1945-những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam-Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu đậm. Sau những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, việc Hiệp định Geneve năm 1962 về Lào được ký kết mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962.
Xác định “Đông Dương là một chiến trường”, cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung trong giai đoạn 1945-1975 chứng kiến hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa là vì lợi ích của mỗi quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giúp bạn là tự giúp mình”.
Bất chấp những thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975 với chiến thắng ngày 30-4-1975 của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. Qua quá trình liên minh đoàn kết chiến đấu, hai dân tộc Việt Nam-Lào càng thêm tin tưởng, gắn bó, tạo nền móng vững chắc để phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt trong thời kỳ lịch sử mới.
Ảnh trái: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Văn Hiến (bên phải) trình Quốc thư lên Quốc vương Lào Sisavang Vatthana tại Hoàng cung ở Luang Prabang, ngày 8-11-1962. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào /Nhà xuất bản Thông tấn).
Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Quốc vương Lào Sisavang Vatthana tại Hà Nội, ngày 10-3-1963. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào /Nhà xuất bản Thông tấn).
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Lúc bấy giờ, Việt Nam và Lào cùng phải đối diện với không ít khó khăn, đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nền kinh tế của Việt Nam và Lào về cơ bản đều là nền kinh tế nông nghiệp có trình độ canh tác, năng suất và sản lượng rất thấp; tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tính tập trung bao cấp từ thời chiến...
Tình hình quốc tế lại có những chuyển biến phức tạp. Các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với Việt Nam, Việt Nam với Lào. Đặc biệt, sau khi quân đội và chuyên gia Việt Nam rút về nước đầu năm 1976 theo thỏa thuận giữa hai Đảng và Chính phủ hai nước, các thế lực phản động trong nước Lào, với sự hỗ trợ của các thế lực thù địch quốc tế, đã hoạt động nổi dậy ở nhiều nơi, gây nên những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị của Lào.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải phát triển và thắt chặt quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào phù hợp với chuyển biến của thời cuộc. Và nhân chuyến thăm chính thức Lào của đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977.
Hiệp ước nêu rõ hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy, hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được tôi luyện qua gian lao, thử thách và đã trở thành mối tình hữu nghị vĩ đại, gắn kết không thể tách rời, “sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, “quý hơn ngọc quý nhất”, “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”.
Trong lịch sử thế giới từ xưa đến nay, hiếm có mối quan hệ song phương nào được chứng minh luôn chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, coi là tình nghĩa ruột thịt, thân thiết, trước sau như một, được thử thách qua nhiều gian nan, hiểm nguy như quan hệ Việt Nam-Lào.
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong là những người đã đặt nền móng vững chắc, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp để quan hệ Việt Nam-Lào trở thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế như khẳng định của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy”; “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”.
Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang, cho dù trên thế giới có những mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa các quốc gia với nhau, song xét về mọi phương diện thì không có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ Lào-Việt Nam. Mối quan hệ được tạo dựng từ máu xương của biết bao thế hệ người dân hai nước Việt Nam-Lào và vẫn tiếp tục được vun đắp cho đến tận ngày nay.
Trên thực tế, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào mà có 3 yếu tố khiến quan hệ Việt Nam-Lào trở nên đặc biệt. Trước hết là sự gần gũi về địa lý. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, từ bao đời nay sống bên nhau, cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Tiếp đến là nhân dân Việt Nam và Lào đều giàu lòng nhân ái, bao dung và rất mực yêu chuộng hòa bình, tự do, cùng sẻ chia về lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung. Một yếu tố có tính quyết định nữa là nhân dân hai nước đều được chính đảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, với đường lối đúng đắn trong đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước và trong quan hệ quốc tế.
Trên cơ sở 3 yếu tố nói trên, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đưa ra những dẫn chứng cụ thể khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là đặc biệt, mẫu mực, hiếm có. Thứ nhất, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, sống chết có nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quan hệ Việt Nam-Lào thực sự được tạo dựng bằng mồ hôi, máu xương của biết bao thế hệ người dân hai nước, trong đó phải kể đến hàng vạn Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Thứ hai, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc còn được xây đắp từ những giọt mồ hôi, nước mắt và dòng sữa ngọt của rất nhiều bà mẹ Lào đã nhường suất ăn, đặc biệt là nhường cả dòng sữa hiếm hoi cho con mình để cứu bộ đội Việt Nam cũng như những bà mẹ Việt Nam sẵn sàng tiễn chồng, con lên đường sang Lào chiến đấu.
Thứ ba, quan hệ Việt Nam-Lào đặc biệt ở chỗ hai nước hợp tác, giúp đỡ nhau chân thành, vô tư, trong sáng, chí tình, chí nghĩa, không vẩn đục bởi tư tưởng vụ lợi hay nước lớn, nước nhỏ, không chỉ thương yêu mà còn luôn tôn trọng, đối xử với nhau thực sự bình đẳng.
Thứ tư, đồng thời với khát vọng đưa dân tộc mình vươn lên sánh ngang các cường quốc, nhân dân Việt Nam luôn ước vọng đất nước và nhân dân Lào anh em được sống trong hòa bình, độc lập tự do, phát triển phồn vinh, có vị thế quốc tế cao. Ước vọng đó hoàn toàn tự nhiên chỉ có giữa những người anh em thân thiết và tin cậy nhất.
Đây là điều đặc biệt chỉ có giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào. Một điều vô cùng quan trọng làm cho quan hệ Việt Nam-Lào trở nên đặc biệt hơn các mối quan hệ quốc tế khác là giữa hai nước có lòng tin chính trị, lòng tin chiến lược thực sự sâu sắc, vững chắc.
Sự gắn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào đã phát triển mạnh mẽ trong lịch sử phát triển của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Liên minh chiến đấu đặc biệt, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào chính là một trong những biểu tượng cao đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Trong thời kỳ cùng chiến đấu khốc liệt, gian khổ, hàng vạn Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam lúc bấy giờ, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi, để lại sau lưng mẹ già và các em thơ, với khí thế hào hùng cùng nhau khoác ba lô vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ đến nước Lào để thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cùng quân đội và nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân cũ và đế quốc mới.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chung một chiến hào, trên khắp mọi miền của đất nước Lào, không có nơi nào thiếu dấu chân các chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam, như cách gọi của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, “đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”.
Máu đào của các chiến sĩ Việt Nam và Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn, hòa trong nước sông Mê Công. Nước mắt của những người mẹ Lào, người mẹ Việt Nam có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương, mất mát. “Không chỉ là máu xương để lại, trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, họ sẵn sàng nhường cho nhau sự sống, như những bản tráng ca vượt lên trên tất cả những điều cao đẹp. Có những người lính Việt Nam đã mãi nằm lại, bồi đắp máu xương trên những mảnh đất Lào để mang lại tự do, hòa bình cho nhân dân hai nước. Những tấm gương chiến đấu của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào cũng thật đặc biệt, đặc biệt đúng như tính chất quan hệ hai nước”, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng chia sẻ.
Với ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó trưởng ban liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng, ông gắn bó mật thiết với đất nước Triệu Voi.
Ngày 19-8-1948, ông Nghiệp khi ấy mới 19 tuổi cùng đồng đội thuộc đơn vị Quân tình nguyện đầu tiên của Khu 5 lúc bấy giờ bắt đầu hành quân sang khu vực Hạ Lào. Ông còn nhớ tại lễ xuất quân hôm ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng có chuyển lời căn dặn của Bác Hồ tới các chiến sĩ rằng phải tôn trọng, thương yêu, xem người dân Lào giống như đồng bào của mình, coi núi sông, cây cỏ, ruộng đồng của Lào như quê hương thứ hai của mình. Giúp bạn nhưng không được ban ơn, không bao biện làm thay, giúp bạn để bạn tự làm lấy.
18 năm ông làm công tác nghiên cứu về đất nước Lào. 25 năm ông trực tiếp hoạt động bên Lào, trong đó 6 năm làm bộ đội tình nguyện và 19 năm làm chuyên gia giúp nước bạn. Quãng thời gian ấy trở thành “thời vàng son” trong cuộc đời của ông Nghiệp. Vì vậy, dù đã nghỉ hưu hơn 30 năm và bước qua tuổi 93 nhưng những ký ức và tình cảm của ông về chặng đường lịch sử hào hùng một thời của hai dân tộc vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã được nhân dân Lào hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ, luôn coi như người thân yêu, ruột thịt của mình.
Với ông Nguyễn Văn Nghiệp, “ruột thịt” và “con em một nhà” là những gì ông liên tục nói đến khi kể về những người dân Lào thủy chung, son sắt mà ông có dịp tiếp xúc trong thời kỳ cùng chiến đấu khốc liệt, gian khổ và tràn đầy niềm tin tất thắng của cả hai dân tộc.
Ông Nghiệp còn nhớ vào năm 1950, trong một lần xuống thăm thủ trưởng bị ốm đang nghỉ tại một nhà dân ở tỉnh Attapeu, ông đã gặp và trò chuyện với người mẹ của gia đình đó. Thấy người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tuổi đời còn trẻ, hiền lành, lại biết được ông ở quê nhà còn mẹ già và các em thơ, bà rất thương, ngỏ ý muốn giới thiệu cho cô con gái xinh xắn tên là Simon.
Tuy nhiên, điều kiện lúc bấy giờ không cho phép ông nghĩ đến chuyện tình cảm riêng tư. Dù đôi trẻ không nên duyên với nhau, song người mẹ Lào ấy vẫn quý mến, nhận ông làm con nuôi. Bà đặt cho ông một cái tên Lào là Khamsy. “Chữ “Kham” trong tiếng Lào có nghĩa là “vàng”, chữ “sy” liên quan tới tên của cô con gái Simon.
Cái tên Khamsy mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự trân trọng, cho thấy mẹ xem tôi như con ruột. Trong suốt thời gian hoạt động tại Attapeu, tôi luôn được gia đình mẹ đùm bọc, che chở”, ông kể.
Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kề vai sát cánh cùng quân và dân các bộ tộc Lào chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân và đế quốc như Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng khẳng định: “Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào”, “sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt”.
Những chiến công hiển hách và tấm lòng son sắt của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam không thể diễn tả hết bằng lời và không bao giờ phai nhòa trong tâm khảm nhân dân Lào. “Lúc nào Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng ghi nhớ sự hy sinh, đổ mồ hôi, xương máu cao cả của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào trước đây. Sự giúp đỡ này giống như sự giúp đỡ anh em trong một gia đình, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là tự giúp mình”, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang nêu rõ.
Nếu như nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu cho cách mạng Lào thì ở chiều ngược lại, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng”.
Sự hy sinh cao đẹp và vô cùng to lớn đó trở thành sức mạnh vô song, nguồn động lực lớn lao, góp phần đưa cách mạng hai nước Việt Nam-Lào đi tới thắng lợi vĩ đại vào năm 1975, kết thúc hàng chục năm chiến tranh, lập nên kỳ tích chiến thắng thực dân và đế quốc xâm lược.
Kể từ khi hai nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã cùng phối hợp chặt chẽ, đưa cách mạng hai nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến bước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ghi thêm một kỳ tích mới của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Thực tiễn lịch sử ấy, theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và Đại sứ Sengphet Houngboungnuang, đã khẳng định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.
Sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là nền tảng, gốc rễ bền chắc để hai dân tộc Việt Nam-Lào tiếp tục cùng nhau quyết tâm vun đắp, nâng tầm mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, son sắt trong những chặng đường phát triển tiếp theo.
Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam; Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Kaysone Phomvihane ở Lào; hai dân tộc vô cùng tự hào vì luôn nhận thấy ở nhau tiếp tục là những người đồng chí, người bạn thủy chung, son sắt, cùng chung chí hướng, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Lào với thông lệ quốc tế, hai bên luôn dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau cùng phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua, với nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng đơm hoa thơm, kết trái ngọt. “Ngày nay, Việt Nam và Lào đều hòa bình, độc lập, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục chứng minh là quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới... Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực đối ngoại luôn diễn ra chặt chẽ với việc thường xuyên phối hợp và hỗ trợ nhau tại các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và quốc tế, mang lại thành công chung trên lĩnh vực đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của mỗi nước”, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định.
Đặc biệt, giữa lúc hai nước cùng chịu tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam và Lào vẫn luôn dành cho nhau sự hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Điều này, theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang, là minh chứng sống động cho truyền thống chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa hai nước, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ cùng vượt qua đại dịch để phục hồi kinh tế-xã hội, tiếp tục phát triển bền vững.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào. Đó là mối quan hệ được phát triển từ quan hệ láng giềng gần gũi trở thành quan hệ đoàn kết đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Mối quan hệ ấy thể hiện những ước vọng tha thiết của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Bounthong Chitmany cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18-7-1977 / 18-7-2022) tại Hà Nội. Ảnh: VIỆT TRUNG
Ảnh trái: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng chí Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó chủ tịch nước Lào tại lễ trao Huân chương của Đảng, Nhà nước Lào tặng các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ảnh phải: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương tặng đồng chí Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng chí Xaysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ảnh: TTXVN
Đó cũng là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững mang tính xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, bước trước chuẩn bị cho bước sau tiếp tục phát triển đưa tới những thắng lợi vẻ vang của hai nước Việt Nam-Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay. Những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam-Lào mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của mỗi Đảng, mỗi Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trong thế giới phát triển đầy biến động và phức tạp với cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả hai nước. Dù cho thời cuộc đổi thay, nhưng lớp trước tiến lên, lớp sau kế bước, tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Lào không thay đổi. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trước sau như một quyết tâm tiếp bước cha anh, gìn giữ tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
- Nội dung: HOÀNG VŨ
- Ảnh: Tư liệu - TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC - PHÚC THẮNG